Mùa hè đến, gia đình tôi vẫn giữ thói quen ăn rau diếp cá mỗi ngày. Đó không chỉ là món ăn hạ nhiệt trong mùa nóng mà còn chất chứa bao kỷ niệm thương yêu về nội.
Mẹ kể, những ngày đầu về làm dâu, mâm cơm vừa dọn ra, mẹ đã không thể chịu nổi mùi tanh khó chịu của loài rau ấy. Vốn ở nhà ngoại, cũng ít ai ăn được rau diếp cá. Nội để ý mấy hôm, bữa cơm cứ thấy mẹ tần ngần đĩa cá rồi chấm tới chấm lui đĩa trứng chứ chẳng đụng đũa đến đĩa rau to đùng. Nội gắp mấy cọng diếp cá xanh rờn vào bát mẹ rồi nhẹ nhàng “Ăn thử đi con, ngon lắm, không tanh như con tưởng mô. Đàn bà con gái ăn tí rau này cho mát da mát thịt”.
Mẹ ngắc ngứ, nhìn quanh thấy cả nhà đang nhìn mình, đành nhắm mắt đưa miếng rau vào miệng rồi cố nuốt. Nội cười hiền, từ từ rồi quen, quen là nghiền cho coi. Thế mà mẹ quen và nghiền thật. Mấy bữa sau, tới bữa cơm, nội chưa nhắc đã thấy mẹ cầm rổ ra vườn hái diếp cá.
Mảnh vườn của nội vốn có cơ man nào là rau: Rau mồng tơi, rau dền, rau lang, rau muống… Song, nhiều nhất là rau diếp cá. Đó cũng là nơi nội chăm chút và yêu quý nhất.
Diếp cá dễ trồng, chỉ cần cắt vài nhánh nhỏ, dấm dúi vào đất, chỗ đất nào gần vòi nước nhất thì ưu tiên cho chúng. Vậy là cây mọc tự nhiên, chẳng cần chăm sóc gì nhiều. Có điều, đám cỏ dại cũng vin vào đấy, thi nhau giành đất với cây. Cứ độ chiều chiều, lại thấy nội xắn quần xắn áo, đội cái nón tơi ra vườn ngồi nhổ cỏ.
Nội bảo mùa này, ngày nào cũng nên ăn bữa rau diếp cá cho hạ nhiệt. Nội chế biến bao nhiêu món, ngay cả đứa kén rau như tôi, hồi trước cũng bị nội “dụ”, lúc thì nội thả rau vào nồi canh cá, lúc lại rau sống ăn kèm với dưa leo, vả, khế chấm với bát ruốc mặn mòi, lúc trộn gỏi…cứ thế tôi ăn ngấu nghiến suốt mùa hè mà không bị nhiệt, rôm sảy như lũ bạn.
Dần dà, tôi “lây” nội sở thích ăn lá diếp cá, hai bà cháu thường đùa, chỉ cần một chén xì dầu, một rổ diếp cá rửa sạch coi như xong bữa.
Hơn chín mươi tuổi, người nội nhỏ thó, lưng còng sát đất mà vẫn cầm cuốc, làm vườn như thường. Mảnh vườn sạch trơn không có bóng một ngọn cỏ, cây nào cây nấy xanh mơn mởn.
Ba và mấy bác về thăm, thấy thế lại la, bảo nội vào nghỉ, nhỡ đâu ngã ngoài đó. Nội cười cười, trấn an cả nhà, “tao sinh ra với ruộng vườn, bây chừ bây bắt tao ngồi không nhìn cỏ mọc thì ai chịu nổi, nhổ cỏ kết hợp vận động tay chân luôn”.
Đám con cháu đổ ra vườn phụ nội, nội vui mà lại xót, lát sau, nội xua cả bọn vào vì sợ nắng… “đen da cả lũ bây chừ”.
Nội quý mảnh vườn diếp cá đến nỗi tưởng như đi đâu chơi đôi ba ngày lại nhớ, lại lo ở nhà không ai nhổ cỏ, rồi gà qué vào phá. Mỗi lúc hái rau, nội dặn dò mấy đứa cháu, nhất định phải lấy dao cắt trên ngọn để lá còn mọc lên chứ không được ngắt giữa chừng.
Diếp cá của nội còn có tác dụng hạ sốt. Mỗi lần đứa nào bị sốt, nội hì hụi ra vườn hái rau, cặm cụi giã nhỏ rồi cho vào chiếc khăn, đắp lên trán. Bao cơn sốt của bấy nhiêu đứa cháu cũng qua.
Mấy năm tôi đi học xa nhà, chợ ở thành phố không thiếu diếp cá nhưng chẳng tìm đâu ra vị ngọt ngào, mát lành như rau của nội. Đến khi có thể về để ăn thỏa thích rồi sà vào lòng nội vân vê bàn tay nhăn nheo mùi trầu ấy thì người chẳng còn.
Mỗi lần về quê, trông ra chỗ đất trước kia là vườn diếp cá nay bị bỏ không, lại muốn cầm cuốc xới đất để trồng. Dẫu biết, trồng lên rồi, cũng chẳng ai chăm bón như ngày xưa. Nội mất, gia đình chú cũng mỗi người một ngả, ngôi nhà cô quạnh, đôi ba bữa bác cả mới về ngủ lại. Bất giác, lại thấy hình như bóng dáng nội còn đó, lúm khúm hái rau, miệng móm mém nhai trầu, cười hiền lành nhìn tôi.
Trên mâm cơm cúng cho nội, bao giờ ba cũng dặn, đừng quên dĩa rau diếp cá. Một đời cơ cực, vất vả vì con cháu, nội chỉ cần có thế. Bình dị, giản đơn với thứ rau quê mùa. Thương nhớ sao, mùa này, diếp cá lại xanh…
Dân Trí
Post a Comment
Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com