Trời nắng. Đèn đỏ. Em liếc nhìn hướng đường bên trái chuẩn bị rẽ. Nhẹ nhàng dấn thêm một chút để khỏi vướng những người sắp đi thẳng.

- “Ái! Thằng bé kêu khẽ. Chân con quệt vào xe người ta rồi!”
- “Ôi chết. Mẹ xin lỗi”.
Em ngoảnh sang, mặt đỏ bừng, tìm kiếm gương mặt định xin lỗi.
- Mày chen lên làm gì hả con nhà quê?!” - Ánh mắt sắc lẻm, giọng đanh lại. Em chỉ kịp nhìn thấy một gương mặt cô gái còn rất trẻ đang ngồi phía sau yên của chiếc SH đời mới.
- “Tôi xin lỗi”.
Em chỉ biết nín nhịn nhỏ nhẹ rồi vặn tay ga đi tiếp. Đây không phải lần đầu tiên em bị mắng chửi giữa đường là “con nhà quê”. Nhưng dù thế, lòng em vẫn nhoi nhói như không thể quen cái chuyện “nhỏ như con thỏ” mà đồng nghiệp nhiều khi vẫn khuyên em. Mỗi lần như thế, em lại nghĩ về cái xe máy biển 88 em mang từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội làm phương tiện đi lại. Đã không ít lần chồng em bảo, phải bán nó để mua cái xe biển 29 để không bị bắt nạt lúc đi đường. Ấy vậy mà em kiên quyết không nghe. Em “ngoan cố” cho rằng, cái áo không làm nên thầy tu, rằng xe cộ chỉ là phương tiện, không cần lãng phí trong lúc cuộc sống trăm thứ phải lo toan, rằng hình thức chỉ là chuyện phù phiếm, v.v... Mười năm rồi em ở Hà Nội mà vẫn đi xe của người Vĩnh Phúc. Mười năm rồi em gặp không ít lần bị mắng mỏ là “con nhà quê” nếu có trót sơ sẩy trên đường.
Em đem nỗi bực mình sẻ chia cùng đồng nghiệp. Người bạn đó cũng là dân tỉnh lẻ như em. Làm nghề lâu hơn em một chút và cũng có thâm niên là “người thành phố” được mười lăm năm có lẻ. Chị phá lên cười, thản nhiên bảo: “Ngốc ơi là ngốc, phải thay đổi tư duy đi tí nào! Ngày xưa chị cũng như em. Vác con xe biển Thanh Hóa lên Hà Nội. Lắm khi đi đường, mình phải rành rành, vẫn có đứa mắng cho té tát là đồ nhà quê. Từ hồi chuyển sang đi xe Lead, chả đứa nào dám mắng chị. Mà lắm khi, chị còn mắng vốn chúng nó nữa đấy!”
Hóa ra là vậy ư? Cái vỏ nó quan trọng thế cơ mà, sao tới giờ em vẫn không chịu thấy. Em cổ hủ quá rồi, hay em vẫn chưa thể nhập cuộc với cuộc sống đô thành? Em biết tại sao rồi. Chỉ tại em vẫn chưa quên bài học của bố mẹ lúc ở nhà, rằng con người ta, chỉ khi không có gì thuộc của nội lực mới phải lấy những thứ phù phiếm bên ngoài để bù đắp, khỏa lấp. Rồi nữa, sai lầm nhất là khi ta vội vã đánh giá ai đó qua cái bề ngoài, qua những thứ mà mẹ em vẫn gọi là “màu mỡ riêu cua”, thứ “nước sơn” lấp lánh bề mặt.
Có thể bố mẹ em không biết bây giờ cuộc sống đã khác nhiều so với trước. Có thể em đã quá cực đoan cho một quan niệm sống tự mình cho là đúng đắn. Nhưng cái vỏ vẫn chỉ là cái vỏ. Cũng như em, dù có khoác lên mình trăm lớp vỏ nữa, em vẫn không thể vứt bỏ được cái “lõi”, cái “chất người” thực sự của mình. Bởi em nghĩ, nếu ai đó có thể dễ dàng từ bỏ một thứ bên trong bằng một cái bên ngoài như thế, chắc họ còn muốn thay đổi nhiều thứ nữa, chứ đâu chỉ là chuyện xuất xứ của một kẻ nhà quê. Tự nhiên, em thấy yêu những con người vẫn vui vẻ và tự tin trên đường phố bằng chiếc xe mang biển số của quê mình.

Post a Comment

Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com