Biết chuyện chị chuẩn bị chia tay chồng, người đồng nghiệp lớn tuổi hơn và cũng là cấp trên lựa lời chia sẻ. Chị khuyên, dù thế nào người phụ nữ cũng phải gắng giành được quyền nuôi con. Người mẹ có thể cho con những điều mà không người bố nào cho trẻ được.
Mấy chục năm trải nghiệm qua từng chặng dốc cuộc đời, người đồng nghiệp lớn tuổi đã chứng kiến những tấn bi kịch xảy ra với trẻ khi giữa cha mẹ chúng không còn cái gọi là tình yêu.
Quan hệ vợ chồng đúng là một thứ vừa thật khăng khít, lại vô cùng lỏng lẻo. Từ đâu đó hai nơi xa lạ, họ trở nên gần gũi, gắn bó, tưởng như mưa giăng đá lở vẫn chẳng làm họ rời nhau. Ấy vậy rồi khi không còn tình yêu, họ lại trở về với vị trí ban đầu, là hai nơi xa lạ, hai con người xa lạ, và dù có gắng đến đâu thì khoảng cách dẫu chỉ còn như sợi tóc xem ra vẫn thật khó lấp đầy. Dù lý do tan rã cho mọi cuộc hôn nhân thuộc về ai, người phải gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là những đứa trẻ.
Không phải ngẫu nhiên chị đồng nghiệp lớn tuổi nhắn nhủ chị việc phải kiên quyết giành quyền nuôi con. Chẳng đâu xa xôi, người đồng nghiệp ấy đã chứng kiến những câu chuyện buồn làm méo mó, biến dạng tuổi thơ của bao đứa trẻ thiếu may mắn khi bố mẹ cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt ngay quanh mình. Có cặp vợ chồng sau khi chia tay, để đảm bảo ai cũng phải có trách nhiệm với thành quả (hay hậu quả?) sau những năm sống chung, người ta kiên quyết phải chia đôi con cái. Một đứa ở với bố, một đứa ở với mẹ. Cho tới ngày người bố chuẩn bị tái hôn, phải nhờ vợ cũ trông giúp con để lo toan hôn lễ. Người mẹ dẫu thương con nhưng vẫn không quên chuyện phải hành hạ cho “bõ ghét” kẻ “tồi tệ” kia nên kiên quyết chỉ trông con, cho con ăn mà không cho con ngủ lại. Chị bắt ông bố, dù đang dở dang bao chuyện, vẫn phải tất tả quay về đón đứa nhỏ. Khi thấy mình trở thành sinh linh bị đùn đẩy, thoái thác, bị biến thành vật cản, gánh nặng phiền hà, có đứa trẻ nào không sớm già hơn so với tuổi thực của mình? Rồi lại nữa, có gia đình sau khi chia tay, anh chồng kiên quyết không cho cậu con trai được gặp lại mẹ. Đã dứt là dứt hẳn, đó là quan niệm của anh ta. Hồi đầu, người mẹ vẫn lén lút tới thăm con ở một trường tiểu học. Thăm nom cũng phải giấu diếm nên đâu dám mua sắm đồ dùng hay đồ chơi gì. Chỉ dám mua đồ ăn tới rồi ngồi trò chuyện, đợi con ăn xong lại len lén ra về. Ấy thế mà mọi việc cũng lộ. Sau đó thì anh chồng kiên quyết đưa con đi thật xa, tới cả hai năm nay, người mẹ ấy chẳng còn được gặp lại con mình. Chị không biết con trai đang ở đâu, tình hình sức khỏe ra sao. Thương cho người mẹ một thì thương cho đứa trẻ mười. Vậy nên phải kiên quyết giành quyền được nuôi con, đó là lời chị đồng nghiệp lớn tuổi chốt lại.
Cuộc đời thật kinh khủng. Có những tấn kịch luôn bất ngờ và phức tạp hơn óc tưởng tượng và khả năng sáng tạo của bất cứ nhà văn nào. Có lẽ bởi, chưa có gì phức tạp và khó lường hơn lòng người. Muốn hiểu được ai đó, chí ít những hành động hay tâm lý của người ấy, dù phong phú và đa dạng, vẫn phải nằm trong những quy luật phổ biến trong những dạng tính cách của loài người nói chung. Còn khi đã vượt qua những giới hạn chung ấy, tức là có những khác biệt quá lớn về mặt luân lý, đạo đức, hành xử theo kiểu “người”, thì thực khó để ứng xử và đối mặt.
Chị vẫn nghĩ, chỉ có một nguyên tắc duy nhất giúp con người ta có thể bình tĩnh xét đoán và ứng biến trước mọi sự. Đó là việc chị phải chấp nhận một sự thật: chính bản thân phải có trách nhiệm với cuộc đời mình. Nói cách khác, chỉ có chị mới cứu được chị, đừng trông mong vào bất cứ ai hay bất cứ một ngoại lực nào. Đối mặt với thực tại bằng cái tôi đầy ý thức chủ động, chị sẽ bớt rơi vào thế bị “ức”, bị dồn đẩy tới tình huống phải chấp nhận những điều không hề muốn. Khi ai đó còn muốn gây khó dễ cho người khác để cốt đạt tới sự thoải mái, chứ không phải vì một mục tiêu thực sự cụ thể và mang tính giải quyết vấn đề tích cực, thì tức là, người đó chỉ đang cố gắng chứng tỏ sự thiếu bản lĩnh và tự tin khi đối diện với mâu thuẫn. Tại sao người mẹ kia kiên quyết không cho con ngủ lại chỉ cốt để bố nó, dù đang bận cưới vợ mới, vẫn phải loay hoay lo toan cho con riêng? Đó chẳng phải cốt chỉ để chị thỏa mãn khi hành hạ được kẻ từng đầu gối tay ấp với mình? Đó chẳng phải tâm lý vì không ăn được muốn đạp đổ sao? Tại sao người bố kiên quyết ngăn cản tình cảm máu thịt thiêng liêng giữa mẹ và con trai? Chắc hẳn giữa hai con người từng là vợ chồng một thuở đã xảy ra những mâu thuẫn ghê gớm tới mức thù hận. Chuyện ngăn cản đó chẳng nói lên được gì ngoài việc, anh chồng vẫn chưa đủ mạnh để bỏ qua quá khứ, ngay cả khi quá khứ ấy đã qua rồi. Khi không đủ mạnh, người ta hay đổ lỗi và oán trách hoàn cảnh, oán trách những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra sự bất như ý. Khi không đủ mạnh, người ta hay bị rối giữa những chi tiết vụn vặt mà quên mất cái nhìn đại cục, theo đó, cách hành xử cũng dễ đi theo hướng ti tiện, xét nét hơn. Và khi đó, chỉ còn những cố gắng dằn vặt nhau để thỏa mãn cảm giác đắc ý với bản thân. Rốt cuộc, lại vẫn chỉ những đứa trẻ hứng chịu.
Vậy là chị cần phải giành quyền nuôi con, chuyện ấy đã đành. Nhưng có lẽ, quan trọng hơn, chị phải xác định thật rõ, ngay cả chuyện nuôi con cũng là điều tất yếu, nó nằm trong trách nhiệm của bản thân khi chị quyết định sinh ra một đứa trẻ. Nhưng để làm được vậy, nhất định chị phải “mạnh”. Mạnh về ý chí, mạnh về nghị lực, và một điều vô cùng quan trọng, mạnh về kinh tế. Chỉ khi làm chủ được cuộc sống của mình ở cả phương diện vật chất và tinh thần, người ta mới đủ mạnh để có thể bao dung, vị tha và nhẹ nhàng bước qua quá khứ. Chỉ khi độc lập một cách đúng nghĩa, người ta mới thôi không còn muốn đào bới quá khứ để trách cứ và cũng là để tìm cơn cớ đổ lỗi cho những việc bất thành của đời mình.
Khi dám chịu trách nhiệm và có đầy đủ khả năng để chịu trách nhiệm về bản thân, chị sẽ đủ mạnh để không bị những lỗi lầm của người khác gây ra làm cho rối, cho ức. Và chị vẫn nghĩ, đó chính là sự thanh thản, tự do đích thực, đáng vươn tới của chị trong cuộc sống đơn thân.
Dân Trí
Post a Comment
Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com