Lần đầu về quê ra mắt, thấy anh có vẻ thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ, trước dạ sau vâng, má em lo: “Thằng này rồi không biết có chịu được tính con út của bác không đây!”.


Lấy chồng lành

Rồi má bỏ nhỏ: “Thương nó thì ráng chiều nha con! Cái tính ngang như cua và nóng nảy của nó, nhà này thua hết!”. Anh cười cười dạ dạ. Quay sang em, má dặn nhớ đừng… ăn hiếp anh tội nghiệp!
Không riêng má, cả nhà ai cũng lo cuộc hôn nhân của mình sẽ mong manh như sợi chỉ mành, bởi hai đứa tính khí trái ngược. Em bốc đồng, thường cáu giận chuyện không đâu, bực lên là nói cho đã miệng, bất kể đúng sai hay làm tổn thương ai đó. Trong khi đó, anh trầm tĩnh, nhẹ nhàng, làm gì cũng cẩn thận, chu đáo, ngó trước nhìn sau, đúng mực đến “chuẩn không cần chỉnh”.
Nhớ lần biết tin mình sắp cưới, làm như thể không có anh cưới là em ế tới nơi, nhóm bạn rủ đi ăn mừng, “tăng” này sang “tăng” khác. Anh theo, tỏ ra hòa đồng nhưng vẻ không vui hiện lên rất rõ. Đến “tăng” ba là vào một quán bar, thằng bạn khui bia xoành xoạch dù không ai uống nổi, anh ghé tai em, rủ về. Sĩ diện, sợ bạn chê mình chơi không đẹp, em... gây với anh một trận rồi đuổi anh đi. Hôm sau mở mail, đọc thư: “Anh không tiếc tiền nhưng em có thấy như vậy là lãng phí? Anh nghĩ cuộc vui nên dừng lại khi đủ, cũng là cách giữ tỉnh táo để an toàn ra về”. Rồi hôm cãi nhau với cô đồng nghiệp, về nhà còn tức anh ách, em gọi tiếp, tính gây nữa. Nhìn bộ mặt của em, anh đoán ra ngay, nhắc em: “Sẽ hối hận cho xem!”. Lời nhắc đã giúp em kìm lại được cơn giận.
Đâu đã hết, anh để ý thấy em thường gọi người thứ ba vắng mặt trong cuộc trò chuyện là “ổng/bả”, như “Cái ông đó ổng thế này…/Cái bà đó bả thế kia…”, anh từ tốn: “Gọi anh ấy, chị ấy nghe nhẹ nhàng hơn em”. Vậy là mấy từ “ổng/bả” mất dần trong tự điển tiếng Việt của em. Có lần nấu món thịt thưng, biết anh thích nên em tự tay mang đến công ty, cứ đinh ninh anh sẽ… trốn đâu đó để một mình trọn vẹn thưởng thức tấm lòng của vợ. Chiều đó, nghe anh nói chưa được ăn vì phải nhường suất cơm cho người khác, em rất giận. Anh nhẹ nhàng: “Mình ăn thì hết chứ người ta ăn thì còn, còn tình còn nghĩa”. Câu nói đó theo em mãi, giúp em biết mở lòng hơn trong xã giao, cư xử với người rộng lượng hơn…
Cứ thế, anh nhắc nhở, chỉ dạy em từng chút, trong từng tình huống và mỗi lần như thế, em rút ra bài học cho mình, để sống tốt hơn.
Lại nhớ thời mới yêu, bạn bè thường cá với nhau quan hệ của hai đứa mình chỉ kéo dài vài tháng là anh hết chịu nổi. Thế nhưng, sau ba năm tìm hiểu, yêu nhau, giờ chúng ta đã là một gia đình. Cây hạnh phúc còn trổ bông bằng hai nhóc tì giống anh như đúc. Bây giờ, mọi người lại quay sang đoán già đoán non: chắc do trái ngược tính cách nên mới hút được nhau, bù đắp cho nhau. Chỉ có em là hiểu rõ bí quyết giúp hai đứa mình hòa hợp: cái tính hay chỉnh, hay nhắc bài của anh. “Ông chỉnh, ông nhắc” là biệt danh em thương mến đặt cho chồng mình.
Theo PNO

Post a Comment

Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com