Tôi có vợ, 2 con nhưng có thêm con 2 tuổi với người tình. Do khó khăn tiền bạc, tôi không thể lo cho mẹ con người tình thường xuyên. Cô ta trả đũa bằng cách mang con đến bỏ ở nhà tôi.


Sự việc vỡ lở nhưng cuối cùng gia đình và vợ đã tha thứ cho tôi. Tôi cũng không chối bỏ trách nhiệm với con bé. Tuy nhiên, cô ta đòi hỏi thật quá đáng, buộc tôi phải thường xuyên gặp mặt con bé. Tôi không chấp nhận vì tôi và cô ta đã cắt đứt quan hệ.
Tôi và gia đình thỏa thuận với bố mẹ cô ta là hàng tháng tôi gửi một triệu đồng để lo cho con bé (lương tôi chưa đầy năm triệu đồng), cô ta đòi thêm. Cô ta dọa nếu không làm theo sẽ copy toàn bộ tin nhắn ra đĩa rồi bế con đến nơi tôi làm việc, tung hê cho mọi người biết chuyện, rồi kiện tôi ra tòa... Tôi quá bối rối không biết phải giải quyết thế nào. (Tuấn, TP.HCM)
Ảnh minh họa. Ảnh: Ericconnor.com.
Ảnh minh họa. Ảnh: Ericconnor.com.
Trả lời
Em đã có gia đình, có hai con rồi mà cũng chưa chịu sống cho nghiêm túc, trăng hoa làm gì để giờ phát sinh bao rắc rối. Người lớn khổ tâm đã đành, cháu bé hai tuổi cũng phải khổ lây vì bị đem ra làm cớ để người lớn hành hạ nhau. Sau này, dù sống với mẹ hay với cha cũng đều rất khó cho cháu.
Em đã ảo tưởng tin vào cái mong muốn có con với em của cô ấy mà sa lầy. Có thể, cô ấy muốn có con chỉ nhằm mục đích giữ chặt em hơn, làm áp lực để em phải bỏ gia đình mà đến với cô ấy. Ý định không đạt được, đứa bé trở thành gánh nặng, nên cô ấy mới nhẫn tâm đem con ra trả đũa em. Em phải xem đây là một bài học cho cả đời mình.

Thông thường, trong mối quan hệ ngoài luồng, khi đã phát sinh một đứa bé không mong muốn, chỉ có hai cách giải quyết: một là người mẹ nuôi con, người cha trợ cấp; hai là người cha nhận con về nuôi để người mẹ làm lại cuộc đời.
Trong trường hợp của em, nếu hai bên gia đình đã thỏa thuận là em trợ cấp, cô ấy nuôi con thì nên cố gắng phân tích cho cô ấy hiểu lý lẽ mà chấp nhận. Chuyện tiền bạc có gia giảm đôi chút cũng không nên đặt thành vấn đề lớn, mỗi người hãy nghĩ vì con mà lùi một chút cho êm thắm.
Vì cha mẹ hai bên cũng đã vào cuộc, em nên mời cha mẹ em cùng với em ngồi lại với cha mẹ cô ấy và cô ấy để bàn tính lại, thuyết phục cô ấy đừng làm rối thêm. Nếu cô ấy cứ khăng khăng giữ những đòi hỏi quá đáng, em có thể xin nhận lại con về nuôi. Hãy cố gắng thuyết phục vợ em chấp nhận cháu bé, vì dù sao đó cũng là con em, nó chẳng có tội tình gì trong sai lầm của người lớn. Đây cũng là một hướng tốt cho sự phát triển của cháu bé sau này, vì sống với một người mẹ nhẫn tâm hắt hủi mình như thế, chắc chắn cháu còn phải chịu nhiều khổ sở.

Nên cố gắng tìm cách hòa giải nếu em thật tâm muốn khắc phục hậu quả do sai lầm của mình gây ra. Hãy nghĩ, phụ nữ là người thiệt thòi nhiều nhất, bù đắp được gì cho cô ấy thì bù đắp, cho dù cô ấy có cố tình trở mặt kiếm chuyện, gây khó. Chỉ khi thật sự hết cách mới đành chịu để cô ấy kiện ra tòa. Khi em thật sự có những giải pháp thiện chí thì cô ấy có kiện đến đâu cũng chẳng thể làm khó được em hơn nữa, cứ yên tâm. Chỉ lo cô ấy bêu xấu ở nơi em làm việc thì đúng là mất mặt, nhưng đành chịu thôi, xem như cái giá phải trả. Khi đã thiện chí, hết lòng và bình tĩnh chấp nhận những gì sẽ đến, em sẽ thôi không còn bối rối, lo lắng nữa.
(Theo Phụ nữ TPHCM)

Post a Comment

Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com