Mang thai và béo phì dễ bị rạn da
Da được cấu tạo bởi 3 lớp: ngoài cùng là lớp biểu bì, ở giữa là lớp trung bì và lớp trong cùng là hạ bì. Rạn da xảy ra ở lớp giữa, có mô liên kết, nơi mà sự đàn hồi ở da giúp da luôn ở hình dạng vốn có của nó. Nếu lớp da ở giữa này bị kéo giãn trong một thời gian dài như thời gian mang thai to hoặc béo phì, da mất sự đàn hồi do bị gãy, đứt các tổ chức liên kết cấu tạo bởi các sợi collagen và elastin, hậu quả là rạn da.

Khi các hoóc môn trong cơ thể thay đổi quá nhanh (do thai nghén hoặc tăng giảm cân đột ngột, hoặc dùng thuốc chứa hoóc môn điều trị kéo dài) không thích ứng với sự phát triển của các tế bào da, khiến cho da bị rạn. Dùng các loại thuốc chứa corticoid dài ngày cũng có thể gây rạn da.
 Rạn da ở tuổi dậy thì. Ảnh: SKDS.
6 thói quen xấu
6 điều cấm kỵ khi ăn dưa hấu
Mẹo hay tránh 4 bệnh phổ biến trong mùa đông

Một số thanh niên, thiếu nữ dậy thì mà cơ thể phát triển quá nhanh cũng dễ bị rạn da hơn những người khác. Bệnh cũng có tính di truyền, nếu người mẹ mắc chứng rạn da thì con gái cũng dễ mắc.

Biểu hiện rạn da

Rạn da biểu hiện bằng những vệt dài thành từng đám nhỏ trên bề mặt da trông giống như da cá đã đánh vẩy nhưng không gây ra cảm giác đau hoặc ngứa ngáy gì. Vết rạn được hình thành qua 2 thời kỳ: thời kỳ đầu là những vệt đỏ, đỏ tím, có hay không kèm theo ngứa, nhưng không đau; thời kỳ thứ 2, da chuyển sang màu trắng có ánh như xà cừ và hình thành các đường rạch lõm, đây là lúc tạo vết rạn, khi đó có sự tương phản khá rõ giữa làn da bình thường và vết rạn, sờ vào sẽ có cảm giác hơi sần. Vị trí rạn da thường gặp ở bụng, đùi, bẹn, hông, vú, mông, đầu gối, bắp chân, khuỷu tay, thắt lưng.

Phương pháp chữa trị và phòng tránh

Rất khó để xóa hẳn các vết rạn trên da vì không có cách nào phục hồi lại các sợi collagen và elastin khi nó đã bị đứt gãy. Nếu bạn nghe quảng cáo của các thẩm mỹ viện là chiếu laser, CO2, IPL... làm hết vết rạn thì đừng quá tin. Kỹ thuật siêu mài mòn có thể làm vết rạn khó thấy hơn, nhưng hiệu quả không đáng kể, bởi các sợi đàn hồi của da nằm sâu ở lớp trung bì không thể mài tới được. Trường hợp mài sâu quá sẽ làm tổn thương da, gây thâm nám.

Phương pháp duy nhất có thể làm vùng da bị rạn trở lại bình thường là cắt bỏ lớp da rạn, làm căng da hay ghép da thay thế vùng bị rạn bằng phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên trên thực tế, người ta có thể làm mờ vết rạn bằng các loại thuốc bôi có chứa tretinoin, lécithine, các dầu thiên nhiên, các vitamine C, E... và việc dùng thuốc ngay khi các vết rạn mới xuất hiện sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

Các loại chế phẩm có thể làm mờ nhạt và giảm kích thước vết rạn, hạn chế sự phát triển của chúng gồm: các loại dầu chiết xuất từ hướng dương, dầu đậu nành, dầu oliu xoa đều lên các vùng da bị rạn hằng ngày trước khi đi ngủ giúp khôi phục độ đàn hồi cho da và hoạt động của các tế bào biểu bì da. Dùng lòng trắng trứng bôi đều lên vùng da bị rạn sau đó rửa sạch bằng nước lạnh, có thể làm mờ đi các vết rạn một cách nhanh chóng vì lòng trắng trứng có công dụng kỳ diệu trong việc khôi phục và tái tạo collagen cho da. Dùng sữa bò tươi mátxa vùng da bị rạn vào mỗi buổi tối cũng có hiệu quả tốt.

Phòng rạn da bằng cách: kiểm soát cân nặng, không để tăng cân quá nhanh trong thời gian ngắn. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao giúp cơ bắp săn chắc. Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý. Ăn các thức ăn có chứa nhiều protein giúp tổng hợp collagen nuôi dưỡng da. Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây chín vì loại thực phẩm này là nguồn cung cấp carotinit, các vitamin và khoáng chất dồi dào cho cơ thể rất cần cho da mịn màng dẻo dai. Phụ nữ có thai nên đi khám định kỳ để có được lời khuyên thích hợp cho việc dùng thuốc phòng chống rạn da mà không ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.
Theo giaoduc.net.vn

Post a Comment

Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com