Sau đây là nguyên nhân và giải pháp cho một số lỗi thường gặp với cổng usb.
Lỗi máy tính không nhận ra thiết bị USB khi nó được cắm vào
Trước hết cần chắc rằng thiết bị USB của bạn còn sử dụng được. Cách đơn giản nhất là bạn hãy cắm thử nó trên một máy tính khác. Khi chắc rằng nó vẫn hoạt động tốt trên một máy khác bất kỳ, hãy tiếp tục với các bước kiểm tra khác trên máy tính của bạn nhé.
Trường hợp bạn đang dùng một dây cáp nối dài cổng USB, hay một Hub USB cho thiết bị này, hãy cắm nó trực tiếp vào cổng trên máy tính. Các dây nối hay hub USB có thể bị hỏng hoàn toàn, hay một vài cổng trên đó. Ngoài ra, bạn cũng nên chọn dùng những loại Hub có cấp thêm nguồn ngoài bằng bộ nắn điện (adapter), còn với các Hub sử dụng nguồn điện trực tiếp từ cổng USB thì bạn chỉ nên dùng tối đa là hai thiết bị ngoại vi mà thôi.
Kế tiếp, một nguyên nhân quan trọng khác là cổng USB, mà bạn dùng để cắm thiết bị, đã bị hỏng. Lần này thì bạn cần thử nghiệm theo cách ngược lại, nghĩa là mang một thiết bị USB đang sử dụng tốt trên máy tính khác sang, và cắm vào đó. Nếu máy tính vẫn không nhận ra thiết bị mới thì nghĩa là cổng USB đó có vấn đề.
Nếu vào chức năng Device Manager mà bạn không nhìn thấy cổng USB trong danh sách USB Universal Host Controller  thì cổng đó đã bị hỏng hẳn. Còn ngược lại, thì thường là do các kết nối mạch vật lý bị lung lay khỏi bo mạch chủ. Một nguyên khác là cổng USB đó bị cắm rút thiết bị quá nhiều, hay không đúng cách, làm các mạch tiếp xúc của cổng bị lệch khỏi các vị trí chuẩn. Trong trường hợp này, thì nếu bạn bẻ đầu cắm thiết bị qua lại, lên xuống trong cổng USB, thiết bị sẽ được nhận ra. Tuy nhiên, bạn sẽ phải giữ thiết bị đúng nguyên vị trí ấy trong khi sử dụng, nếu không, kết nối giữa máy tính và thiết bị sẽ lại bị mất.
Hệ thống nhận ra kết nối USB, nhưng không biết thiết bị gì
Hiện tượng đặc trưng của lỗi này là sau khi bạn gắn thiết bị vào cổng USB, hệ thống thông báo là có thiết bị USB mới xuất hiện. Thế nhưng sau đó hệ điều hành không hiển thị thêm bất kỳ thiết bị mới nào. Có ba nguyên nhân chính dẫn đến lỗi này, mà bạn cần quan tâm là:
Mỗi khi rút thiết bị ra khỏi máy tính, thì người sử dụng phải chờ ít nhất là mười giây trước khi cắm thiết bị trở lại cổng USB đó. Nếu cắm rút quá nhanh, thì máy tính sẽ không nhận ra lại thiết bị, dù trước đó nó đã nhận ra rất tốt. Thời gian chờ đợi giữa hai lần rút và cắm này sẽ tùy thuộc từng loại hệ điều hành cũng như thiết bị ngoại vi. Nó có thể mất từ vài giây với các con chuột, nhưng lại mất đến vài phút với các ổ cứng di động dung lượng cao.
Nguyên nhân thứ hai là do bạn sử dụng Hub USB với quá nhiều thiết bị trên đó. Khi các thiết bị này đều truyền nhận nhiều dữ liệu tại cùng một thời điểm, thì thiết bị mới cắm vào sẽ không còn băng thông để trao đổi với hệ điều hành. Để xử lý vấn đề này, bạn hãy tạm thời rút các thiết bị không dùng đến ra khỏi Hub trước khi thiết bị mới được cắm vào và hệ thống có thể nhận ra nó.
Để xác định thiết bị nào đang chiếm bao nhiêu băng thông trên cổng USB, bạn vào tiện ích Device Manager, bấm phải chuột trên mục USB Universal Host Controller, rồi chọn Properties. Trong thẻ Advanced, phần Bandwidth-consuming devices, bạn hãy quan sát phần băng thông mà các thiết bị đang chiếm. Sau đó, bạn rút thử từng thiết bị một ra khỏi cổng để biết chính xác nó chiếm bao nhiêu băng thông mà cổng USB cung cấp.
Nguyên nhân thứ ba là do không đủ nguồn để cung cấp cho hoạt động của thiết bị USB. Lỗi này thường thấy khi bạn gắn các ổ đĩa cứng dung lượng lớn vào các Hub USB. Hiện tượng để nhận ra lỗi này là có một thông báo Power surge on USB Hub Port hiện ra ở khay hệ thống khi thiết bị được cắm vào.
Để giải quyết, bạn hãy chuyển sang dùng các Hub USB có bộ cấp nguồn riêng bằng Adaptor. Tuy hơi lỉnh kỉnh vì bộ cấp nguồn này, nhưng các thiết bị ngoại vi khi cắm vào Hub sẽ hoạt động nhanh và ổn định hơn rất nhiều.
Lỗi thiết bị liên tục xuất hiện và biến mất khỏi hệ thống
Nếu đã loại trừ các nguyên nhân do lỏng lẻo cổng vật lý, thì nguyên nhân của hiện tượng thiết bị xuất hiện và biến mất liên tục là do bo mạch chủ thực hiện việc tiết kiệm năng lượng. Những thiết bị gắn vào cổng USB nhưng không được dùng đến trong khoảng thời gian dài sẽ bị tắt đi tạm thời, và nó được kích hoạt trở lại khi bạn tiếp tục sử dụng. Muốn bỏ đi quá trình tiết kiệm điện này của bo mạch chủ, bạn vào chức năng Device manager, mục Universal Serial Bus Controllers, bạn bấm phải chuột trên các mục USB Root Hub, rồi chọn Properties.
Trong thẻ Power Management, bạn tắt đi lựa chọn Allow the computer to turn off this device to save power là xong. Bạn cũng cần lặp lại thao tác trên cho tất cả các mục USB Root Hub có trong danh sách.
Lỗi không ghi được lên thiết bị lưu trữ dạng USB
Bạn cần ghi dữ liệu lên thiết bị lưu trữ dạng USB, nhưng một thông báo lỗi hiện ra cho biết thiết bị đã bị khóa chống ghi.
Cách xử lý là bạn mở cửa sổ dòng lệnh rồi gõ vào từ khóa Regedit sau đó nhấn Enter.
Trong cửa sổ Register, bạn tìm theo nhánh HKEY_LOCAL_MACHINE\ SYSTEM\CurrentControlSet\Control\ StorageDevicePolicies, rồi quan sát các giá trị ở cửa sổ bên phải. Nhấn kép chuột vào khóa WriteProtect, bạn hãy đổi giá trị của nó thành 0.
Trường hợp không tìm thấy mục StorageDevicePolicies thì bạn tạo ra bằng cách bấm chuột phải vào mục Control, chọn mục New - Key và đặt tên là StorageDevicePolicies. Sau đó thì bạn tạo một giá trị mới bằng cách nhấn phải chuột ở vùng cửa sổ phải, chọn New – DWORD, đặt tên cho giá trị là WriteProtect, sau đó cài đặt giá trị của nó bằng 0.

echip

Post a Comment

Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com