Năm đó nhà tôi chuyển đến gần cơ quan của ba. Để lo đủ tiền xây nhà mới, ba mẹ tôi phải bán căn nhà ông bà nội để lại. Từ đấy mỗi lần sinh nhật được thổi nến cắt bánh kem, tôi chỉ ước sau này lớn sẽ kiếm tiền về mua lại nhà xưa. Nhưng rồi sinh nhật tuổi 18, tôi tìm đến hiên nhà dấu yêu, bàng hoàng nhìn điều ước của mình tan thành làn mây khói mỏng tang như chính làn nước mắt cay xè trên má tôi ngày ấy. Không còn nếp nhà rêu phong, không còn vườn xưa im tiếng, tôi đứng trơ trọi trước ngôi nhà ba tầng xa lạ, ngơ ngác hỏi “tuổi thơ mình giờ về đâu khi không còn nhà để trú?”
Nhà cũ có gốc nhãn to đùng, ông nội tự tay trồng từ ngày tôi lọt lòng. Tôi lớn lên cùng nó, ngây ngô tin rằng ông đã ở đấy kể từ lúc qua đời. Ông nội mất khi tôi chưa kịp lên 3, khuôn mặt ông tôi chẳng nhớ nhưng những ký ức cứ dày theo năm tháng. Là mẹ tôi kể hồi bé tôi khóc ngặt nghẽo, ông dỗ tôi đến khan cả giọng, là bố tôi nhớ ngày ấy nhà rất nghèo, bữa cơm ông nhường hết thức ăn cho cháu, là mọi người bảo khuôn mặt tôi giống ông nội như đúc. Tôi ngồi dưới gốc cây um tùm, tưởng rằng có tiếng ông trong tiếng lá cây xào xạc mỗi ban mai nhiều gió, có vòng tay ông gầy guộc nhưng vững chãi dưới tán cây rợp mát những chiều nắng đổ liêu xiêu. Mùa nhãn chín luôn là mùa vui nhất. Chim ríu rít về từng đàn, hương nhãn theo gió đưa vào đến trong nhà nghe ngọt lịm.
Mùa nhãn chín cũng là mùa hè rực lửa. Nắng vàng mắt vàng mũi nhưng trưa nào tôi cũng trốn ngủ, đội nắng chạy đi chơi. Hàng rào nhà cũ làm bằng những cây ma não thấp tè, lá nhỏ xíu, màu xanh thẫm. Giữa những hàng ma não san sát có một lỗ rỗng bí mật chỉ mình tôi biết bởi tôi là người đã đục khoét nó. Mỗi trưa tôi lén lút chui qua đó rồi háo hức chạy sang nhà hàng xóm chơi. Trò leo trèo ổi luôn là trò được chúng tôi thích nhất, vừa leo lên leo xuống, thỏa thích vặt ổi xanh nhai rôm rốp vừa tám đủ thứ chuyện.
Hiên nhà cũ trải qua nhiều mưa nắng, rêu mọc loang lổ như vết cắt thời gian. Ở đó, mẹ tôi vẫn ngồi nhổ tóc sâu cho bà, tôi hết đứng ôm lưng mẹ lại chạy ra bi bô nói cười với bà nội. Một lần hấp tấp, tôi ngã chúi vào bậc thềm, máu chảy lênh láng. Từ đấy cằm tôi có thêm vết sẹo nhỏ vì phải khâu ba mũi, thềm nhà rêu phong có thêm vệt đỏ sẫm lau mãi không mờ.
Có những chiều buồn hiu, tôi ngồi thu lu nơi hiên nhà ngóng mẹ. Thuở đấy mẹ tôi đi học lớp bồi dưỡng y tá trong tỉnh, mỗi tuần chỉ được về vào thứ bảy, chủ nhật. Nhớ mẹ, tôi cứ ôm gối khóc thút thít. Tôi vẫn luôn tin rằng nỗi tủi thân, lạc lõng vô cớ trong mỗi người khi nắng ngày vội tắt đều từ chiều hôm nhớ mẹ như thế mà ra.
Nhà cũ ba gian tường gạch quét vôi trắng, cột kèo gỗ có chỗ đã mục, tiếng mọt ri rỉ đục khoét suốt ngày suốt đêm. Đêm đến, căn nhà yên tĩnh được bao bọc bởi tiếng côn trùng kêu ngoài vườn và tiếng thằn lằn, tiếng chuột kêu chít chít trong nhà. Ngày bé, tôi cực kỳ sợ chuột, mỗi đêm tôi ngủ thiếp đi trong nỗi sợ hãi ngây ngô và vòng tay bình yên của mẹ. Có những đêm tôi choàng tỉnh vì tiếng mưa rả rích rồi khóc òa khi quàng tay sang chỗ mẹ thấy trống không. Mẹ tôi vừa chạy đi tìm vài chậu nhỏ đặt giữa nhà hứng nước mưa dột vội chạy lại hôn vào tóc tôi, vào hàng mi đẫm lệ rồi ru tôi vào giấc ngủ êm đềm.
Bếp cũ đun bằng củi khô. Từ bếp củi đó mỗi chiều khói lam bay nghi ngút. Mùa đông đi học về chạy vào bếp hơ tay hay xuýt xoa ăn một củ khoai lang nướng vừa vùi trong bếp lửa thì ấm áp không gì bằng. Nhưng ấm nhất phải kể đến Tết khi cả nhà quây quần ngồi trông nồi bánh chưng, kể chuyện năm xưa năm cũ, năm của những người đã khuất.
Nhà cũ giờ chỉ còn trong ký ức, muốn chạm đến từng ngóc ngách nhà xưa phải chạm vào những ngăn tim vốn hay thảng thốt. Thế nên mỗi lần nhớ nhà cũ, trong tôi là tiếc nuối, bồi hồi, là hạnh phúc an yên.
Dân Trí
Post a Comment
Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com