Những ai đang buồn chuyện riêng tư, nhất là tình cảm, đừng bao giờ một mình ngắm miền Tây vào chiều muộn. Chắc chắn, bạn sẽ bị cả không gian sông nước tĩnh lặng trong một buổi chiều tà “đánh cắp” nốt đôi chút vui còn sót lại.
Bởi khi ấy, cái buồn cứ lặng lẽ, miên man thấm vào tâm trí và xúc cảm của bạn. Nó nhẩn nha len lỏi từng ngõ ngách, nó nhuốm cái bàng bạc của bóng chiều đang tỏa dần trên từng kênh rạch, thu vào tầm nhìn, vào ánh mắt bạn. Nó làm bạn như quên đi hết thảy những điều quanh mình, chỉ đau đáu chú tâm vào nỗi buồn đang day dứt, đang gặm nhấm “không thương xót” lòng bạn.
Nói thì nói vậy, nhưng chiều nay, một mình tôi với một nỗi buồn lại rủ nhau đi xuống miền Tây. Đôi khi, để khuây khỏa một nỗi buồn, người ta thật dễ dàng sa vào một nỗi buồn khác, và thường là tệ hơn bản thân cái cớ ban đầu xô đẩy người ta. Tôi cũng vậy, chiều nay, một mình cùng sông nước miền Tây.
Đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa mưa. Những cơn mưa ào ạt, từng chặp, từng chặp theo nhịp đuổi nhau của những đám mây lang thang khắp vùng trời nước. Mây cũng như mưa, chẳng bao giờ chịu phân biệt khu vực hành chính rõ rệt. Chúng cứ mải mốt nô đùa, mệt đâu dừng đó, ùa tan ra trên đất. Có biết bao lần, những tâm hồn cằn cỗi và mệt mỏi như tôi chợt thèm được sống, được chơi hồn nhiên, vô lo nghĩ như những giọt mưa đó.
Giờ thì tôi hiểu vì sao miền Tây lại là xứ sản sinh ra vọng cổ, cải lương. Giờ thì tôi cũng hiểu vì sao người ta lại viết “chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Miền Tây trong những buổi chiều thường gợi nỗi buồn tha thiết không chỉ với những kẻ tha hương, mà cả những ai đang nặng lòng vì thực tại. Vẻ mênh mang của những bãi bờ êm đềm sông nước, với màu xanh miên man, bất tận của đồng bãi, lại thêm những căn nhà nổi, những con đò hững hờ buông neo trên các kênh rạch nhỏ, vẻ trầm lắng, u tịch ấy hỏi sao không khiến lòng người nôn nao? Và khi ấy, người ta bỗng quên đi những chộn rộn vừa trải qua, và dù muốn hay không, lòng người bỗng tự thấy muốn chùng xuống theo cái dáng cầm chèo thư thả của một bóng người mảnh mai dìu dặt trên dòng sông vắng.
Những lúc ngắm nhìn các cô gái miền Tây rạng hồng gương mặt dưới nắng, tôi chợt thấy rõ sự màu nhiệm của vùng đất đã ban cho họ vẻ duyên dáng có tính truyền thống. Miền Tây, nơi phù sa bồi đắp theo từng con nước, nơi được mệnh danh “trên bờ là cơm, dưới sông là cá”, đã tạo nên vẻ mỡ màng, mặn mà không lẫn với nơi nào khác của con gái vùng này.
Lại nhớ tới bài viết trong bài báo của học giả Nguyễn Văn Vĩnh năm xưa trên tờ báo tiếng Pháp Nước Nam mới, ông đã lý giải rất thuyết phục vì sao ở những vùng cấy được thêm vụ lúa mùa, con gái luôn đẹp hơn những vùng chỉ cấy được một vụ chiêm. Sự vất vả làm bớt đi vẻ mặn mà của những cô gái vùng đồng chiêm trũng miền Bắc Bộ bao nhiêu, thì sự màu mỡ, no đủ của những cánh đồng Nam Bộ lại tạo thành vẻ đằm thắm, hấp dẫn của các thiếu nữ Nam Bộ bấy nhiêu.
Miền Tây đẹp, tĩnh lặng mà buồn. Một nỗi buồn còn thuần phác như chưa bị lấm láp quá nhiều những phiền muộn của thời công nghiệp hóa. Càng xa thành phố, càng thấm thía cái buồn tha thiết mà lành mạnh đó. Những ngôi nhà nho nhỏ, những khoảnh vườn cây trái như ôm ấp một kỷ niệm chưa xa về vùng đất mới. Trải nghiệm về một vùng đất thực ra là trải nghiệm của chính lòng mình ở một không gian cảm xúc được gợi nên từ muôn hình sắc, hương vị của nơi đây.
Chiều nay dù buồn, tôi vẫn muốn tới miền Tây, để thấy trong lòng mình đang cất giữ một nỗi buồn chưa qua, để thấy cuộc sống luôn có những lúc buộc phải trải qua, phải thấm thía, phải đủ dũng cảm để đi cùng nỗi buồn đó.
Chuyện đời, dù buồn dù vui, sau một thời gian đủ dài, đều trở thành kỷ niệm, thành một phần tạo nên mảng hồi ức phong phú của một đời người. Và khi nỗi buồn đã chỉ còn nằm trong câu chuyện kể lại, tôi lại tự hỏi mình rằng, có phải miền Tây buồn, hay chỉ vì khi ấy, lòng mình buồn mà đã vô lý nghĩ ra như thế?
Post a Comment
Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com