“Ghen tuông là chuyện người ta thường tình”, nhưng có đi vào thế giới của hờn ghen mới thấy “con cháu” nhà ghen hiện đại khá đông đúc.
Đã cũ rồi chuyện vợ ghen chồng, chồng ghen vợ, đó là cái ghen thường tình. Có cô vợ nhỏ, cô bồ nhí kiếm chuyện ghen với bà vợ chính thức, đến tận nhà, nói chuyện tận mặt, giành giật thẳng tay - đó là “ghen ngược”. Cũng có cô lửng lơ giữa dòng làm vợ hờ, làm người tình nhỏ thì phát hiện người yêu đèo bòng người khác, hoặc một đại gia bao hai ba em, em này phát hiện em khác, không nén nổi lòng - kiểu ghen này xin tạm gọi là “ghen ngang”…
Khi “chính chủ” nhường quyền ghen
Chuyện “đàn ông năm bảy lá gan…” có từ ngày xửa ngày xưa, nhưng thời buổi hiện đại cung cấp thêm cho các ông nhiều phương tiện để “xài” năm bảy lá gan một cách triệt để và hiệu quả theo cách “lá ở cùng vợ lá toan cùng người”. Cơ hội để “ăn phở” nhiều hơn, dễ dàng hơn, nhưng bù lại, tin tức cũng dễ lan truyền hơn. Những câu chuyện đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông, sang tai nhau đầu đường giữa xóm… đã tạo nên tâm lý chấp nhận ở một số đông chị em: thời bây giờ là vậy!
Cánh đàn ông bám vào tâm lý này để biện hộ mình cũng không tội lỗi gì hơn… thằng cha bên cạnh. Chuyện đã có bà xã ở nhà, mà quơ quào thêm chút đỉnh ở quán bia cũng là chuyện thường tình. Cánh phụ nữ, trong đó có không ít cô trẻ trung có ăn học hẳn hoi, chấp nhận thực tế này như một căn bệnh truyền nhiễm ông nào cũng dễ mắc phải. Thậm chí có cô tuyên bố chồng có thể làm gì thì làm, miễn khuất mắt và cứ đem tiền về nhà đầy đủ là được. Ngoại tình bây giờ đã gần như việc hút thuốc lá: ai cũng biết là nguy hiểm, nhưng tẩy chay quyết liệt người hút thuốc thì không, đồng thời ai cũng biết là mình có thể “hút thuốc lá bị động” ở bất kỳ chỗ nào. Chính sự dễ dãi này đã tạo lên một kiểu quan hệ à ơi mà vẫn “tới bến”, để rồi dẫn tới một kiểu chặc lưỡi phẩy tay: thôi, ghen làm chi cho mệt xác, “mackeno” (mặc kệ nó), chuyện qua đường,…
Sẽ khôi hài nếu gửi lời hiệu triệu “hãy ghen và ghen tuyệt đối!” đến tất cả các bà vợ, nhưng quả thật, sự chấp nhận, sự thờ ơ vô cảm hay sự nhẫn nhục nhiều khi đến mức vô lý của các chị em cũng đã góp phần tạo môi trường hôn nhân “ô nhiễm”, tạo điều kiện cho nhiều sự hư hỏng khác. Ai cũng nhắm mắt làm ngơ thì cái xấu sẽ lộng hành. Dễ thấy, khi các bà vợ từ bỏ đặc quyền “ghen chính chủ”, thì tất yếu quyền ghen tuông sẽ chuyển sang cho người khác. Cơn “ghen chính thống” có thể xuất phát từ lòng yêu thương, từ quyền và trách nhiệm được luật pháp công nhận, còn những cơn ghen không chính thống có thể xuất phát từ nhiều lý do rất khác nhau, trong đó có cả ghen… giả.
Ghen ngược
Mọi người ở khu chung cư N.V.L. (TP.HCM) vẫn còn nhớ trận đánh ghen cười ra nước mắt của gia đình ông Cường, bà Bảy. Từ hồi giải tỏa rồi tái định cư, bà Bảy quanh năm ở nhà, phần vì nghề buôn bán vỉa hè của bà hết đất sống, phần vì hai cậu con trai đã trưởng thành, đi làm, bà chỉ còn phải lo chợ búa, cơm nước. Ông Cường thì vẫn đi đi về về, cái nghề xây dựng của ông ít khi ở nhà. Cho tới một bữa, có người đàn bà từ Tây Ninh dẫn theo mấy tay thanh niên mặt mũi bặm trợn tới nhà kiếm ông, bà mới tá hỏa biết chồng mình ăn ở với người ta rồi bỏ đi xứ khác. Tưởng ông trốn về với “bà lớn”, “bà nhỏ” rượt theo tới tận nhà để đánh ghen. Người đàn bà kia còn cao giọng bắt bà Bảy phải sớm ly hôn, trả ông Cường về cho bà ta! Bà Bảy sợ xanh mắt, không phải vì sợ trận đòn ghen, mà sợ cả đám kia dùng dằng ở đây, thế nào rồi cũng đến lúc hai thằng con trai đi làm về. Lúc ấy, chuyện gì xảy ra có trời mà biết. Hàng xóm ngao ngán lắc đầu: đời thuở đâu có cái trò ghen ngược, người ta đường đường chính thất, không ghen thì thôi, đằng này mình đã lén lút với chồng người ta lại còn bày đặt trò ngang ngược ghen tuông, vậy mà bà chính thất một hai năn nỉ: “Cô về đi, ổng giờ không có nhà, tôi hứa tới chừng ổng về tôi nói…”.
Kể về chuyện “ghen ngược”, nhiều bà vợ lắc đầu cho biết chính các cô gái bây giờ mới thật sự là “thứ dữ”. Nhiều cô đã biết rõ rành rành người ta có vợ có con, nhưng vẫn sẵn sàng nhảy xổ vào gia đình người khác, chinh phục bằng được người đàn ông, rồi đặt thẳng vấn đề với các bà vợ theo kiểu: chị không mang lại hạnh phúc cho anh ấy, xin chị đừng cố níu kéo anh ấy làm gì, anh ấy yêu tôi, này đây là bằng chứng, chúng tôi yêu nhau, anh ấy sống với chị chẳng qua chỉ là nghĩa vụ… Các bà vợ bị ghen kiểu này đa phần sẽ choáng váng, không biết nói gì trước một tình thế bất ngờ và một tình địch ngang ngược. Nhưng các cô nàng đáo để cũng không phải bách chiến bách thắng, đa phần những trò ghen ngược này thường không đạt được mục đích như các cô mong đợi. Kết quả phổ biến chỉ là gây rối, hạ nhục, chỉ làm cho nội bộ căng thẳng bí bét thêm, kể cả nội bộ gia đình và nội bộ cuộc tình ngoài luồng nọ.
Chị Thanh Vân kể, gia đình mình đã xào xáo dữ dội, chút nữa thì tan vỡ vì một cô nhân viên dưới quyền chồng. Hẹn gặp chị ở quán nước nói chuyện, cô ta chủ động trưng ra một xấp ảnh chụp những lần tình tứ cùng với chồng chị, hàng tá tin nhắn nói rằng anh chỉ sống với chị vì nghĩa vụ, rằng tình yêu đã chết lâu rồi, rằng chỉ có cô mới mang lại cho anh ta hạnh phúc… Cô đề nghị chị nên ly hôn, trả tự do cho anh. Khi chị từ chối, cô ta quăng luôn ra con bài cuối cùng: phiếu khám thai của cô ta và bắt đầu cơn kích động thần kinh: la hét, khóc lóc, thậm chí bứt tóc xé áo, không cho chị ra về. Nỗi đau bị chồng phản bội đã đành, còn nỗi nhục khi chuyện riêng tư trong nhà bị phô bày um sùm giữa quán xá, chị giáng cho cô kia một cái tát nên thân. Tuy nhiên, mấy tháng tiếp theo đó gia đình chị hóa thành địa ngục. Chồng chị thừa nhận có đôi lần đi quá đà với cô ta, nhưng không hề muốn bỏ vợ con để tiếp tục mối quan hệ ấy. Chị cũng phải dằn vặt đớn đau giữa hai quyết định: ly hôn thì trúng kế cô ta, mà không thì…
Không chịu đòn ghen, nhưng người bị bất ngờ và căng thẳng chính là người đàn ông, bị đặt vào thế không kiểm soát nổi tình hình, bị “mèo” qua mặt. Ai cũng bào chữa “có yêu mới ghen”, yêu mãnh liệt đến mức chấp nhận rủi ro, chấp nhận đương đầu để “giành” cho bằng được người mình yêu. Song, ít cô nào nổi cơn ghen ngược nghĩ rằng nếu thực sự muốn thu xếp chuyện chia tay với người cũ để theo người mới thì người đàn ông đã tự chủ động đứng ra để thu xếp rồi. Giằng dai, than thở, bưng bít chỗ này chỗ kia như vậy, chẳng qua là muốn bắt cá nhiều tay mà thôi. Thành thử, khi xảy ra những trò ghen tuông kiểu này, cuộc bắt cá có nguy cơ vỡ lở, cánh đàn ông thường “bỏ của chạy lấy người”, cốt giữ êm gia đình. Chẳng ai dại gì chia tay sư tử ở nhà để rồi đi rước về một con sư tử cái khác đương thì sung sức!
Ghen tuông là thứ gia vị khó nêm trong đời sống gia đình, đến lúc thứ gia vị này bị làm nhái, làm giả lại càng khó nêm hơn nữa!
Theo PNO
Post a Comment
Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com