Từ ngày chị Mỹ Xuân ở quận Thủ Đức (TP.HCM) nghỉ việc ở nhà, hàng xóm ai cũng khen chị có phước, được chồng nuôi, khỏi phải ra ngoài làm việc vất vả. Mỗi lần nghe vậy, chị mỉm cười cho đúng phép xã giao mà trong dạ rối bời.
Bỏ việc vì con
Sau khi lấy bằng cử nhân chuyên ngành xã hội học, chị Mỹ Xuân vào làm nhân sự tại một công ty bất động sản lớn ở quận 1. Chị lấy chồng là kỹ sư xây dựng, rồi sinh con gái đầu lòng. Sau đó, chị lên chức trưởng phòng nhân sự, gia đình êm ấm, công việc trôi chảy, chị học thêm một khoá cử nhân kế toán nữa. Vài năm sau, cấp trên cử chị đi học khoá giám đốc nhân sự để chuẩn bị thăng chức. Con gái đầu lòng giờ đã năm tuổi, chồng chị muốn sinh thêm con trai cho có chị có em rồi kế hoạch luôn. Thương chồng, chị quyết định sinh đứa nữa, ai dè vẫn gái. Con gái mới sinh của chị khá ốm yếu, chị giúp việc lại xin nghỉ việc về quê, chị cậy nhờ em chồng nuôi giúp. Được vài tháng, cô em chồng có việc cũng không thể giữ cháu. Thuê khá nhiều người giúp việc nhưng chị không yên tâm, chồng thì động viên vợ nghỉ việc để tập trung lo cho con. Sau nhiều ngày đắn đo, chị đành gạt nước mắt từ bỏ công việc yêu thích với thu nhập gần 20 triệu một tháng để ở nhà. Chị tâm sự: “Con gái sức khoẻ yếu, lo làm bỏ con lỡ có gì thì hối hận cả đời”. Ngày làm việc cuối cùng, chị hẹn đồng nghiệp, bạn bè thời đi học ra từ biệt như sắp từ giã… cõi đời. Ở nhà chăm con được vài tháng, chị gọi cho cô bạn thân, giọng chán nản: “Mai mốt con tui đến tuổi đi học mẫu giáo sẽ rảnh rỗi không biết làm gì. Hơn 30 tuổi rồi mà còn đi xin việc chắc không nơi nào nhận, chán quá!”
Hiện chị Xuân đang lên một số kế hoạch kinh doanh mà có thể vừa làm vừa chăm con, như bán hàng trực tuyến, nhận làm sổ sách kế toán…
Đi làm là tự do, tự chủ
Thời buổi kinh tế khó khăn, cả hai vợ chồng đều phải đi làm thì mới đủ trang trải cho cả gia đình. Muốn vợ nghỉ việc ở nhà, người chồng phải có công việc ổn định và thu nhập cao. Chị Thanh Hà là trợ lý tổng giám đốc một công ty chế biến thực phẩm lớn, có chồng là phó tổng giám đốc một công ty xây dựng. Hai vợ chồng kết hôn đã lâu mà chưa có con. Làm thụ tinh nhân tạo, chị Hà may mắn đậu song thai. Thuê được hẳn hai người giúp việc ưng ý, sau thời gian nghỉ thai sản, chị yên tâm đi làm lại. Nhưng làm được vài tháng thì hai con song sinh của chị cùng bị bệnh. Mẹ chồng lo lắng, thúc ép con dâu: “Chồng con có thể lo cho gia đình không thiếu thứ gì, con đâu cần phải đi kiếm tiền để con cái thiếu vắng tình thương, nay ốm mai đau”. Vậy là, chị buộc lòng nộp đơn xin nghỉ việc. Chị nói: “Nghỉ việc tiếc lắm chứ! Nhưng đi làm mà cứ lo lắng cho con cũng không làm việc được. Thôi thì phải chu toàn việc nhà trước”.
Trường hợp vợ chồng chị Ngọc Oanh hơi khác: chị làm bác sĩ ở một bệnh viện lớn, anh làm trưởng phòng kinh doanh công ty thực phẩm, có hai con mười tuổi và sáu tuổi. Hai vợ chồng cùng lúc được cơ quan cử đi tu nghiệp tại nước ngoài. Nếu cả hai cùng đi sẽ không ai chăm sóc con, chị Oanh nhường suất tu nghiệp cho người khác để giữ con cho chồng đi học.
Khảo sát nhỏ mười đối tượng nữ đang làm những công việc yêu cầu trình độ cao, hầu như cả mười đều mong muốn được đi làm để tự chủ về kinh tế, được tự do học hỏi, giao lưu bạn bè… Chị Bích Tuyền, giám đốc một công ty kiểm toán ở quận Bình Tân khẳng khái: “Đi làm để không phụ thuộc chồng, có cơ hội tiếp xúc xã hội và giúp đỡ cho cha mẹ mình. Hoặc lỡ công việc của chồng không suôn sẻ thì mình có thể giúp chồng gánh vác gia đình. Nếu cần người làm việc nhà thì thuê, một người không đủ thì thuê... bốn người”. Còn chị Minh Thuỳ, giáo viên cấp ba ở quận 12 thì nhận xét, phụ nữ nghỉ việc ở nhà giữ con sẽ xảy ra hai trường hợp. Thứ nhất là bận lo cho gia đình sẽ không chăm sóc tốt bản thân, đầu bù tóc rối, ăn mặc luộm thuộm, cộng với việc ít giao du, ít tiếp xúc bên ngoài nên dễ cáu gắt, chồng sẽ… chán. Thứ hai, khi con đến tuổi đi học hoặc đã lớn, rảnh rỗi không có việc làm cũng sẽ dễ sinh… hư.
Làm gì nếu không chịu phận tòng phu?
Theo chuyên viên tư vấn tâm lý tình yêu hôn nhân Trần Ngọc Châu, cộng tác viên trung tâm Nhịp cầu hạnh phúc (TP.HCM), “khi đứng trước nguy cơ phải nghỉ việc dưới sức ép của gia đình, người phụ nữ cần dùng thái độ ôn hoà để giải thích như công việc đang làm có lợi ích về kinh tế, đang phấn đấu để được thăng tiến, thu nhập cao, hứa dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, không mang việc cơ quan về nhà… Phải chứng minh để được giữ công việc của mình, đồng thời thực hiện đúng nghĩa vụ của một phụ nữ trong gia đình”. Cũng theo ông Châu, những phụ nữ phải nghỉ việc ở nhà cũng có điểm lợi là được gần gũi con cái. Để không bị tụt hậu, duy trì nhịp độ xã hội bên ngoài, các chị em nên theo dõi cập nhật thông tin thường xuyên thông qua báo chí, internet... Ngoài ra, trong thời gian con vào trường, chị em cần đi học thêm các kỹ năng mềm như cắm hoa, nấu ăn… để giao lưu, quen biết thêm bạn bè, tăng mối quan hệ xã hội.
“Một số chị em vì e ngại tuổi tác, kiến thức tụt hậu không tự tin đi xin việc có thể áp dụng vốn kiến thức đã có và kiến thức mới học để chuyển hướng kinh doanh tại nhà nhưng vẫn hoàn thành tốt nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, từ đó sẽ không có cảm giác ù lì, vô dụng. Tất cả là do bản thân không tìm được giải pháp, quan trọng là phụ nữ có muốn đấu tranh hay không”, ông Châu phân tích.
Theo SGTT
Post a Comment
Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com