Nhiều người biết đến nước Nhật không chỉ qua hình ảnh hùng vĩ của ngọn núi Phú Sĩ hay phong cách triết học của trà đạo thâm trầm, mà còn nhớ cái tên của một bậc thầy về dinh dưỡng Oshawa, người phát kiến phương pháp phòng bệnh với gạo lức muối mè.
Chén cơm đã gắn liền với lịch sử sinh tồn của con người trên 2/3 mặt địa cầu. Nhờ tỷ lệ hài hòa giữa thành phần sinh tố, khoáng tố, gạo là món ăn lý tưởng vì vừa cung cấp năng lượng cấp thời nhưng không gây béo phì, vừa bổ sung nguồn dữ trữ dưỡng chất nhưng không tăng mỡ máu, lại thêm dồi dào chất xơ nên ăn cơm ít khi bị khó tiêu.
Đáng tiếc là từ khi có nhà máy xay gạo, hạt gạo tuy có bề ngoài trắng hơn, bóng hơn, đẹp hơn nhưng mặt khác lại đánh mất nhiều hoạt chất. Đáng nói hơn nữa là nhiều bệnh lý nghiêm trọng từ khi chén cơm gạo trắng có mặt quá thường trên bàn ăn. Do thiếu chất xúc tác biến dưỡng trong vỏ lụa của hạt gạo mà chất đường, chất mỡ trong khẩu phần đơn điệu hội đủ điều kiện để trở thành đòn bẩy cho bệnh tiểu đường, xơ vữa mạch máu, thoái hóa ác tính... Nhiều nhà nghiên cứu đã không quá lời khi nghi ngờ gạo trắng công nghệ là một trong các yếu tố dẫn đến nhiều căn bệnh "thời đại"...
 
Ngay cả ở châu Âu, nơi cơm gạo không là món ăn chiếm ưu thế, nhiều thầy thuốc đã từ lâu kêu gọi người tiêu dùng nên trở về với thiên nhiên, trở về với các món ăn chế biến từ hạt gạo còn nguyên vỏ lụa, như gạo lức. Lý do rất đơn giản, bên cạnh tập thể sinh tố B1, B2, B3, B5, E và tiền sinh tố A cũng như các khoáng tố sắt, magie, phosphor, kẽm, vôi... cần thiết cho hoạt động tối ưu của hệ thống miễn nhiễm, chất màu anthocyanin trong vỏ lụa của hạt gạo có tác dụng trung hòa độc chất oxy hóa trong môi trường ô nhiễm... Đó chính là điểm khéo của Oshawa khi xây dựng phương pháp phòng và hỗ trợ trị bệnh bằng gạo lức muối mè. Khéo hơn nữa là nhờ phần "lức" mà "muối" trong mè tuy mặn nhưng không làm tăng huyết áp ở người cao tuổi.
Nhưng nếu vì thế mà áp dụng phương pháp gạo lức muối mè một cách cường điệu và trường kỳ thì sai. Chế độ dinh dưỡng với chỉ ròng gạo lứt muối mè sau giai đoạn thông qua tác dụng giải độc cho cơ thể thì sẽ là hạ mỡ trong máu, điều chỉnh lượng đường huyết, giảm acid uric... nếu tiếp tục áp dụng đơn phương và dài hạn, là nguyên nhân dẫn đến rối loạn biến dưỡng và suy yếu vì sức đề kháng. Bởi vì gạo lức muối mè tuy mạnh về mặt khoáng tố nhưng lại yếu về chất đạm và chất béo. Thiếu hai chất này, cơ thể không thể tổng hợp kháng thể, nội tiết tố... Không thiếu đối tượng bị dị ứng, rối loạn kinh nguyệt, thiếu máu, suy nhược trầm trọng chỉ vì lạm dụng kiểu ăn gạo lức muối mè. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn nữa nếu "thực khách" do không được hướng dẫn đầy đủ nên không uống đủ nước. Khi đó, nhiều căn bệnh không mời cũng đến một cách oan uổng vì nạn nhân vừa thiếu nước vừa thiếu dưỡng chất cơ bản...
 
Trong y học, không có chỗ đứng cho định kiến. Gạo lức muối mẻ đúng là một phương pháp tốt cho sức khỏe nhưng không thể áp dụng theo kiểu ai cũng như ai, cũng không thể áp dụng một cách tùy tiện mà theo hướng dẫn chặt chẽ của thầy thuốc để người bệnh hiểu rõ khi nào bắt đầu và lúc nào chấm dứt. Không riêng gì với gạo lức muối mè, hệ tiêu hóa đa nguyên của con người không phù hợp với bất cứ hình thức dinh dưỡng nào đơn điệu.
Do đó, không nhất thiết phải cố nuốt cho trôi mỗi ngày chén cơm gạo lức muối mè. Ngược lại, thỉnh thoảng vài ngày trong tuần ăn, đó mới là biện pháp giải độc cơ thể, qua đó gián tiếp mài nhọn sức đề kháng. Chẳng hạn, sau bữa tiệc rượu thịt ê hề, sau giai đoạn làm việc căng thẳng... bạn có thể ăn một bát. Ăn cơm gạo lức muối mè vì sức khỏe cũng tương tự như người hiểu cách chơi chứng khoán. Ra tay đúng lúc thì vốn ít mà lãi cao.
Theo CNMS

Post a Comment

Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com