Thấy cô em vợ khệ nệ kéo 2 cái vali ra thật thì mặt Thắng biến sắc. Cô em vợ hất hàm: “Có thư của chị ấy gửi cho anh, em để trên bàn trang điểm ấy người đàn ông… mất vợ”…
Đến thăm con trai, thấy cửa nhà trống tuếch, trên bàn lổn ngổn những hộp chứa đồ ăn thừa, bà Lam nhìn Thắng lắc đầu ngán ngẩm: “Có vợ không lo mà đối đãi tốt rồi nó đi luôn mất thì hối không kịp con ạ. Hay ho gì cái trò ghen bóng, ghen gió, chì chiết nhau rồi đuổi vợ về ngoại… Mày có phải là đàn ông không con?!”.
Như chưa thỏa lòng, bà Lam đưa tay kéo tuột Thắng ngồi xuống ghế rồi giảng giải một thôi một hồi: “Đàn bà khổ trăm đường… Đàn bà chỉ mong được cậy chồng, nhờ con… Đàn bà… đàn bà… phải thương lấy vợ mày chứ…”. Thế nhưng, dường như Thắng đã phải nghe đi nghe “điệp khúc” đó quá nhiều lần nên để mặc mẹ muốn nói gì thì nói, Thắng dán mắt vào màn hình tivi, tay bấm loạn chuyển kênh, lúc lúc lại cười phá lên vì chớp qua vài hình ảnh hài hước.
Rồi như muốn chấm dứt bài “thuyết giảng không hồi kết”, Thắng nhỏm người đứng dậy, đi vòng ra phía sau, đưa đôi bàn tay rắn chắc đặt lên đôi vai gầy của mẹ, nhẹ nhàng xoa bóp.
Vẫn giữ vẻ mặt bình thản, dương dương tự đắc, Thắng khẳng định chắc nịch: “Đàn bà mà, làm saothiếu được hơi chồng. Cùng lắm đi được 2 – 3 hôm là tự khắc mò về, lại quấn chặt lấy chồng thôi. Lần nào chả vậy, hết tiền là cô ấy về… Đấy rồi mẹ xem”.
Biết không ăn thua gì được với cậu quý tử, mẹ Thắng dọn dẹp một hồi rồi trước khi ra về, bà không quên nhắn nhủ: “Liệu chiều đến mà qua đó đón hai mẹ con nó về đi”. Thắng vâng dạ qua loa nhưng trong thâm tâm thì mặc định “sẽ như mọi lần”. Cứ thế, Thắng nhởn nhơ ngồi đợi…
Ba ngày trôi qua, Hương không về. Ngày thứ tư, khi người đẩy cửa bước vào nhà không phải Hương mà là cô em vợ chanh chua thì Thắng bắt đầu thấy chột dạ. Cô em vợ hỏi nơi để quần áo, đồ đạc của chị gái. Mặc dù thấy có điều gì đó không ổn nhưng Thắng vẫn tỏ ra bất cần, không những chỉ chỗ cho cô em vợ mà còn xách ra hai cái vali to rồi khảng khái nói: “Thế này chắc mới đủ”.
Cô em vợ cũng không chịu kém cạnh, nhìn thẳng vào mắt anh rể nói: “Có khi còn thiếu, bao nhiêu đồ thế này cơ mà! Nhà này sắp thoáng và hết ô nhiễm không khí rồi”. Nghe cô em vợ nhấn nhá từng chữ “hết ô nhiễm không khí” thì Thắng biết câu chuyện của hai vợ chồng đã được vợ tường thuật chi tiết cho cô em vợ.
Biết đối đáp không lại với “bà cô” gắn mác thạc sỹ Luật, Thắng im lặng đi ra ngoài, để mặc cô em vợ trong phòng ngủ của hai vợ chồng gói ghém, sắp xếp đồ đạc. Chừng hơn 20 phút sau, thấy cô em vợ khệ nệ kéo 2 cái vali ra thật thì mặt Thắng biến sắc. Cô em vợ hất hàm: “Có thư của chị ấy gửi cho anh, em để trên bàn trang điểm ấy người đàn ông… mất vợ”…
Tiếng cửa đóng sập, Thắng nháo nhào chạy vào phòng, xé toạc chiếc phong bì dầy cộm. Hai tờ giấy được gấp vuông vắn rơi ra. Không may là Thắng quờ luôn phải tờ giấy có ghi dòng chữ “Đơn xin ly hôn” trước khi đọc những dòng chữ viết vội trong bức thư kia của vợ:
“Anh!
Nói chúng ta là vợ chồng nhưng đúng ra chỉ là sống chung dưới mái nhà, sinh được một đứa con. Cả ngày, ai lo làm việc của người ấy. Cứ sáng ra là anh rời nhà, sau khi đưa con tới trường, em cũng đến cơ quan. Khuya lắc hai vợ chồng mới chạm mặt trong phòng ngủ. Từ sau tuần trăng mật, những bữa cơm vui vẻ bên nhau không còn được duy trì.
Anh mải kiếm tiền, về nhà sớm một chút không thấy vợ là bóng gió em trai gái, cặp bồ. Trong khi thực tế, anh không hề biết rằng sống ở rất gần anh như em là người đàn bà cô đơn và bất hạnh nhất thi thoảng trốn về bên ngoại cho khuây khỏa.
Chúng ta không có thời gian quan tâm, chăm sóc nhau. Ngoài việc mang tiền về nhà thì chuyện gì cũng mình em quán xuyến, lo lắng, từ nội cho đến ngoại. Nhưng cuối cùng trong mắt anh, em vẫn chỉ là ‘người đàn bà mất nết, chạy theo trai’. Em mệt mỏi rồi!...”.
Những con chữ cứ thế nhảy múa trước mắt Thắng. Ly hôn – điều mà Thắng cho rằng Hương không bao giờ dám làm thì hiện tại đang nằm trong tờ giấy này đây… Mất vợ. Thắng sẽ mất vợ như đúng lời cô em vợ nói…?!
Theo TTVN
Post a Comment
Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com