[HannaVN] - Trước đây, tôi thường tự nhủ sau này chỉ cần chồng mình đánh một cái là mình cũng bỏ. Nhưng giờ đây, khi đã làm vợ, làm mẹ tôi mới thấy chữ “bỏ” không dễ làm như nói.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cha đánh mẹ là vào năm tôi lên bảy. Lần đó, ông đã biến thành một con người khác mà tôi chưa từng được biết. Gương mặt hiền hậu trở nên lạnh lẽo và hung tợn khi ông liên tục đấm đá mẹ, túm tóc lôi mẹ xềnh xệch trên nền nhà, đập đầu bà vào tường.
 
Dễ nói khó làm

Lúc mẹ ngã xuống, ông còn liên tục đạp vào bụng bà. Mẹ tôi hét lên trong đau đớn, vừa khóc lóc, vừa van xin. Tôi sợ hãi, nép sát vào góc tủ, người như đông cứng lại. Sau trận đòn ấy, cha tôi bắt đầu có thói quen miệng nói tay đánh với mẹ. Chỉ cần mẹ có lời nói hay hành động không vừa mắt cũng đủ trở thành cái cớ để cha gây sự. Không khí gia đình ngày nào cũng nặng nề u ám như địa ngục. Mỗi khi cha có ở nhà, mẹ làm gì cũng rón rén, rụt rè như kẻ trộm. Sự bạo hành tàn nhẫn đó chỉ chấm dứt khi mẹ uất ức cắt cổ tay tự vẫn. Rất may, cha phát hiện kịp thời, đưa mẹ đến bệnh viện. Từ đó về sau, cha không còn đánh mẹ nữa.

Ngày ấy, tôi còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tại sao cha lại đánh mẹ? Tại sao mẹ không phản kháng hay ít ra là bỏ chạy? Nhưng dù thế nào thì tôi cũng đã quyết tâm sẽ không giống như mẹ, không cắn răng mà chịu bạo hành. Nghĩ vậy nhưng lớn lên tôi vẫn bị chồng bạo hành. Có trải qua, tôi mới cảm thông phần nào cho mẹ, nhưng chỉ phần nào thôi, vì đã tìm cách chống trả, tự bảo vệ mình.

Chồng tôi là một người đàn ông trầm lặng, ít nói nhưng cộc tính, tự ái rất cao, không thích ai góp ý hay khuyên nhủ mình. Vì vậy, trong công việc anh không được lòng sếp, khó hòa nhập với đồng nghiệp. Khi sếp mới lên nắm quyền, anh nhanh chóng bị buộc thôi việc, dù đã gắn bó với công ty hơn mười hai năm. Lớn tuổi, không bằng cấp, khó xin được việc khác, anh thất nghiệp, chán nản và tìm đến bia rượu giải sầu.

Thời gian đầu, anh uống say là về nhà ngủ. Nhưng dần dần, hễ có tí men vào là anh lè nhè với vợ, quát nạt con, to tiếng cả với ba má mình. Biết tính chồng dễ tự ái, tôi chỉ đợi khi riêng tư mới nhỏ nhẹ khuyên giải. Lần nào anh cũng tỏ ra biết lỗi, nhưng chỉ cần đứng lên khỏi bàn nhậu là anh lại như cũ. Một lần tăng ca về, vừa bước vào nhà, thấy chồng lè nhè túm áo con như sắp đánh, tôi hoảng hồn chạy đến ôm lấy con: “Anh vừa phải thôi, suốt ngày say xỉn rồi về nhà kiếm chuyện với vợ con. Tôi chịu đựng quá đủ rồi!” Anh giáng ngay vào mặt tôi một cái tát như trời giáng vào mặt. Lúc đó, anh chồng chạy lên cản anh lại, kéo vào phòng khóa trái cửa. Nửa đêm, đang ôm con ngủ ngoài phòng khách, tôi giật mình vì thấy bóng anh lù lù quỳ bên cạnh. Nhìn vẻ mặt thành khẩn của anh, tôi biết anh thật sự hối lỗi.

Trước đây, tôi thường tự nhủ sau này chỉ cần chồng mình đánh một cái là mình cũng bỏ. Nhưng giờ đây, khi đã làm vợ, làm mẹ tôi mới thấy chữ “bỏ” không dễ làm như nói. Vợ chồng sống với nhau ngoài tình yêu ra còn có cả trách nhiệm, bổn phận. Hạnh phúc không chỉ riêng của hai người mà còn dành cho con, cho cha mẹ hai bên. Vì thế, tôi không thể chỉ ích kỷ nghĩ riêng cho mình, thấy khó là buông. Vì suy nghĩ như thế, tôi nhiều lần tha thứ cho chồng, khiến anh ngày càng lấn tới. Chồng tôi đánh vợ riết quen tay. Số lượng và chất lượng những cái tát anh trút lên tôi ngày càng nhiều. Ngày trước, anh chỉ đánh khi có rượu; sau này anh đánh chẳng cần mượn hơi men. Cứ sau mỗi trận đòn, anh lại ôm ấp, xin lỗi rất tha thiết như đó chỉ là chuyện ngoài ý muốn.

Già néo đứt dây, sau một lần bị anh đánh, tôi đã thẳng thừng khẳng định, chỉ cần anh đánh tôi một cái nữa thôi, tôi sẽ báo công an phường và ly dị ngay. Lúc đó, anh tỏ vẻ hoảng sợ, hứa sẽ không tái phạm, nhưng đến tối anh lại tái diễn. Bị anh đánh, tôi vùng chạy sang hàng xóm, gọi công an phường cầu cứu. Năm phút sau, công an có mặt, gần như phải dùng sức mạnh trấn áp mới đưa người chồng đang hung hăng của tôi về phường. Chồng tôi bị tạm giam đến tận trưa hôm sau mới được thả ra. Cũng ngay sáng hôm đó, tôi đến bệnh viện lấy chứng cứ về việc anh bạo hành tôi.

Hàng xóm ai cũng lo, khuyên tôi nên về nhà cha mẹ lánh mặt một thời gian. Cảm thấy bất an, tôi nghe lời mọi người, thu dọn đồ đạc, dẫn con về nhà ngoại. Đến tận bây giờ, tôi và chồng đã sống ly thân gần một năm. Nói thật, tôi dự định sẽ tha thứ và cho anh thêm cơ hội nữa, vì gần đây anh đã thay đổi theo chiều hướng tốt. Không chỉ bỏ tật nhậu nhẹt, anh còn tìm được việc làm mới và quan trọng là, với mẹ con tôi anh vẫn tỏ ra rất có trách nhiệm.

Lẽ ra, từ đầu tôi phải cương quyết với anh, phải làm rõ trắng đen ngay từ cái tát đầu tiên. Quá nhiều lo lắng đã khiến tôi nhún nhường, chịu đựng. Nhưng, nói thì dễ, làm thật khó.

Theo PNO

Post a Comment

Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com