Thấy tôi trố mắt nhìn cái guồng nước hay chỉ trỏ vào cái chõ đồ xôi đan bằng mây nói bi bô, ông nội chỉ biết xoa đầu, lau nước mắt, thương thằng cháu ở xa vong bản.
Ngày xưa về được các chị dắt ra phố mua cho con tò he, quả bong bóng còn ngày nay khi đã khôn lớn, đầy đủ nhận thức rồi thì phải thăm nom mồ mả ông bà trong tiết thanh minh, gặp gỡ chuyện trò cùng các cô các chú trong bữa cơm đoàn tụ, âu đó cũng là phận làm con làm cháu đối với thân nhân dòng tộc và qua đó mới nhận ra những giá trị đích thực của cuộc đời, bươn bả mệt nhoài trong công cuộc mưu sinh thì quê hương vẫn là tiếng gọi thiết tha như vòng tay ấm áp, bao dung ôm ấp những đứa con xa xứ…
Bên chén rượu ngô nồng đượm trong nếp nhà sàn ấm cúng, những câu thăm hỏi xen cả tiếng Kinh lẫn tiếng Mường mới thấy hết tấm lòng thơm thảo của người dân quê, mộc mạc, bình dị mà sâu lắng.
Một nét độc đáo trong nếp ẩm thực của người Mường là ưu thế tuyệt đối của vị chua và vị đắng, lá, hoa đu đủ đồ với cá sông, gà nấu măng chua, măng đắng mắm tôm thì hình như lúc nào cũng có, từ những bữa tiệc sang trọng đến những bữa cơm gia đình. Măng đắng hái từ trên nương được bóc vỏ, rửa sạch, chẻ ra thành thanh nhỏ cho lên bếp đồ chín. Chị gái gắp cho tôi miếng măng nõn non nhất, sẽ sàng “cậu mới ăn lần đầu phải ăn cái này ít đắng hơn làm quen dần đi đã, con trai Mường mà chưa ăn măng đắng là chưa phải người Mường đâu đó”. Nhìn miếng măng nõn nà, cái mằn mặn, gắt gắt của mắm tôm cùng mùi thơm của riềng sả đánh thức mọi miền trong vị giác nhưng khi cho vào miệng thì, eo ôi đắng, nhìn tôi nhăn nhó mọi người bật cười và hình như sau vị đắng lại có vị ngọt, thanh mát, chả thế mà chỉ sau vài lần tôi đâm nghiện. Phải chăng ẩn đằng sau món ăn hàm chứa cả một triết lý sâu xa, “khổ tận cam lai”, và hình như trong mỗi vị đắng còn là vị thuốc quý của đồng bào chốn núi rừng Tây Bắc hoang vu này nữa…
Ngày xưa đất Mường Vang - Lạc Sơn này là một trong bốn mường nổi tiếng của Hòa Bình “nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” với những dòng dõi quan lang khét tiếng, nhưng thói đời là thế, rừng nhiều ruộng nhiều cũng là của quan Tây, trâu nhiều, bạc trắng nhiều cũng là của quan lang, bao đời nay người dân bản mường vẫn là kiếp tôi đòi, nô lệ. Có nhà bố chết mà không đủ trâu, không đủ bạc nộp cho lang thì không được đưa ma chỉ còn biết ôm quan tài mà khóc… Những vụ giáp hạt, những năm tháng mất mùa thì những cánh rừng măng đắng, những ruộng củ mài là nguồn sống của cư dân bản mường, có lẽ vì thế mà măng đắng đã trở nên quen thuộc và ngày nay đã có mặt trong các nhà hàng đặc sản miền Tây Bắc, măng đắng theo chân du khách thập phương về xuôi, đi khắp mọi miền đất nước. Có cầu thì ắt có cung, đó là quy luật của muôn đời nay rồi. Những cánh rừng măng đắng ngày một thu hẹp dần rồi mất hẳn. Phần người ta đổ xô khai thác, phần thì chuyển đổi sang đất làm nhà, quy hoạch, mở rộng thị trấn. Bà con tiểu thương phải lên tận Sơn La hay vào tận Thanh Hóa thu mua măng đắng về bán mà vẫn không đủ. Tự nhiên thấy hụt hẫng, bần thần như đánh mất một cái gì quý giá.
Post a Comment
Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com