Vợ chồng mình thuộc thế hệ được xem là hiện đại. Cả hai đều tốt nghiệp đại học và có chỗ đứng nhất định trong xã hội. Công việc của chồng tiếp xúc khá nhiều với người phương Tây nên cách nghĩ của chồng cũng “thoáng”.
Vợ mặc dù không “cổ hủ”, nhưng vẫn rất coi trọng những giá trị truyền thống. Có lẽ vì vợ xuất thân từ gia đình nông thôn luôn đặt nặng luân lý đạo đức lên trên tất cả. Vợ luôn tâm niệm, người xây tổ ấm là phụ nữ. Vì thế, vợ rất cố gắng làm tròn bổn phận mẹ, vợ, dâu, con của mình.
Từ ngày lấy nhau, chồng trở nên khác hẳn. Chồng chỉ hiện đại kiểu như: “Việc chi tiêu quà cáp cho cả hai bên nội ngoại dưới hai, ba triệu em cứ quyết định thoải mái, không cần hỏi anh”; “Em cứ mua sắm áo quần thoải mái, miễn làm sao cân đối được chi tiêu gia đình”; “Nếu cần anh giúp giặt giũ áo quần, cơm nước thì cứ nói, đừng ngại”… Và chồng cũng hiện đại luôn cả việc “Sao nhà em cúng kính nhiều vậy nhỉ? Đơn giản nhẹ nhàng cho khỏe, tiện”; “Với anh sống mới quan trọng, chết là hết, sao cứ câu nệ chuyện người chết làm gì cho mệt vậy chứ? Người sống không lo cứ lo chuyện người chết, bất tiện quá đi mất!”
Nhưng chồng lại nhắc nhiều đến cái gọi là truyền thống kiểu “Con dâu là phải lo cho nhà chồng”; “Đường nào thì bên nội vẫn hơn chứ”; “Bên nội còn lo chưa tròn thì tính gì đến bên ngoại”; “Chuyện nhà em, em lo, anh không dám đụng vào. Chuyện nhà anh, em không được đụng đến. Quyền quyết định thuộc về anh, anh trai và các chị (mặc dù các chị đã yên bề gia thất)”; “Em là con dâu, em phải làm tròn bổn phận của mình chứ”; “Nhà em, anh thích thì anh về, không thì thôi, không ai ép được anh”…
Mang quan niệm truyền thống về vai trò của người phụ nữ đi lấy chồng, vợ luôn biết tôn trọng ý kiến của chồng. Vợ đề cao việc gia đình hơn xã hội bởi “mình là vợ”.
Nhưng dù sao, vợ vẫn không thể trút bỏ được luồng kiến thức hiện đại, quan niệm hiện đại về người phụ nữ vẫn hằng ngày thẩm thấu vào đầu óc mở của mình. Vợ biết, “con gái theo chồng như bát nước đổ đi” nhưng vợ vẫn yêu ba mẹ lắm. Vợ đau đớn biết bao khi chồng vẫn phân biệt “nhà anh, nhà em” với cái chồng gọi là truyền thống “coi trọng bên nội hơn bên ngoại”. Vợ không quên ngày giỗ, chạp bên nhà chồng nhưng vợ lại phải một mình địu con về thắp hương cho đấng sinh thành nên người đẻ ra mình mà đôi lúc chồng lại bảo “Nhà em sao lễ lộc mãi vậy nhỉ?”. Vợ sẽ phải câm nín mặc kệ chị chồng bảo đúng, bảo sai bởi với chồng vợ là “con dâu” nên phải thế.
Quan niệm truyền thống đã làm nên nền văn hóa Việt lẽ nào lại sai? Vợ băn khoăn quá. Chồng cũng hiện đại, vợ cũng hiện đại nhưng cái truyền thống mà cả hai cùng níu giữ sao lại không giống nhau vậy nhỉ? Hay chỉ vì một bên níu giữ những truyền thống của trái tim và bên còn lại níu giữ những truyền thống theo lý trí. Vợ sẽ làm sao? Một ngày không xa nữa, vợ và chồng rồi cũng sẽ trở thành ông bà ngoại cơ mà. Lẽ nào, lời phân giải phải đợi đến lúc cả hai trở thành ông bà? Như thế, liệu có quá muộn cho cả hai không?
Post a Comment
Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com