Nhiều cô cứ tưởng lấy được người mình tha thiết yêu thương, được gia đình chồng tương lai hân hoan chào đón thì về sống với nhà chồng sẽ vui vẻ, hạnh phúc. Song cuộc sống hậu đám cưới đã khiến không ít người choáng váng.
Khải và Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) quen rồi yêu nhau qua bạn bè mai mối. Sau gần một năm yêu đương mặn nồng, chàng với nàng dắt tay nhau về chung một nhà. Và cũng đến giai đoạn hậu đám cưới này, Lan bị choáng váng trước sự thay đổi 180 độ của người mình gọi là “chồng”.
Ngày xưa, mỗi lần hẹn hò, anh luôn xuất hiện trước mặt cô với ngoại hình hoàn hảo: quần áo là cháy li, tóc tai vuốt keo thơm phức, giày đánh xi bóng loáng, xe máy sạch như li như lau không một vết bẩn… Lan vốn là người ưa sạch sẽ, gọn gàng nên thấy người yêu chỉn chu như vậy, cô hài lòng ra mặt.
Còn bây giờ, quần áo anh phải mặc tới khi cổ áo đen sì mới miễn cưỡng thay ra. Lan mang đồ anh mới mặc được 1 ngày đi giặt thì thể nào cũng bị càm ràm: “Giặt lắm hỏng quần áo chứ được cái gì!”.
Đầu tóc Khải luôn để bẩn đến dính bết lại, Lan giục mãi mới chịu gội, không thì chỉ vớt tí nước vuốt vuốt qua loa là phóng đi làm. Kinh khủng nhất là mùa đông, mấy chuyện tắm gội bị anh cho luôn vào quên lãng. Đợt rét nào kéo dài chục ngày, nửa tháng thì cũng từng ấy thời gian, anh chẳng biết đến chữ “tắm gội” viết thế nào nữa.
Đến bản thân mình anh còn chẳng mặn mà với chuyện tắm rửa thì cái xe của anh đã là gì. Nhìn thấy xe của chồng bẩn Lan lại phải dắt đi rửa. Nhưng đã chẳng được lời cảm ơn nào, về còn bị Khải phàn nàn: “Rửa làm gì, có được cái gì đâu, mai đi lại bẩn!”.
Ngày xưa, mỗi lần đi đâu, làm gì Khải luôn hỏi ý kiến Lan xem cô thích thế nào, muốn ra sao. Nhưng bây giờ những mẫu câu anh dùng chỉ có: "Anh thích…", "Anh ghét…", "Anh không ưa…", còn ý Lan thế nào thì là chuyện của riêng cô, anh không cần biết.
Ngày xưa, mỗi lần cô ốm là anh cuống quýt mua thuốc, mua cháo chạy đến, hỏi han tận tình. Giờ cô ốm thì một là cô tự thân vận động đi mua nhé, hai là phải nài nỉ hết hơi anh mới rời cái máy tính ra, vừa đi mua thuốc cho vợ còn vừa càu nhàu.
Khải thay đổi chóng mặt đến nỗi nhiều khi trong mơ Lan còn tự hỏi, đó có phải là Khải cô từng yêu tha thiết hay không? Hay đấy là anh em song sinh của Khải, giống nhau về ngoại hình còn tính cách, thói quen thì khác hoàn toàn.
Một lần táy máy điện thoại của chồng, Lan vô tình phát hiện ra một loạt ghi chú về những việc cần sửa soạn trước khi đi hẹn hò, những cử chỉ cần thể hiện với người yêu rất rõ ràng, đầy đủ và y hệt như những gì cô nhận được từ Khải hồi 2 người yêu nhau.
Hóa ra Khải lúc yêu cô là một con rô-bốt hoạt động theo những gì bắt buộc phải ghi nhớ, còn Khải của hiện tại này mới chính xác là con người thật của anh!
Đến giờ Ngọc mới đau đớn nhận ra, nhà chồng chào đón cô như vậy chẳng qua tưởng cô con nhà giàu, bố làm to đó thôi (Ảnh minh họa).
Ngày Ngọc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) về ra mắt gia đình Hưng - chồng cô hiện tại, cô hạnh phúc vô cùng vì được bố mẹ, chị gái và em gái của anh quý mến, đối đãi rất nồng nhiệt.
Nhưng khi bước chân chính thức vào gia đình ấy, cô mới nhận thức được rằng, những điều cô nghĩ bấy lâu nay chỉ là ảo tưởng mà thôi.
Phát pháo mở đầu cho một loạt những mâu thuẫn nảy sinh hậu đám cưới chính là việc chị chồng nhờ bố Ngọc xin việc giúp cho cô con gái chị ấy vừa ra trường. Bố Ngọc tận dụng mọi mối quan hệ, sốt sắng chạy hết chỗ nọ chỗ kia để giúp con gái ghi điểm với nhà chồng nhưng cuối cùng cũng đành lực bất tòng tâm. Bố cô đúng là cán bộ tỉnh nhưng cũng chỉ là nhân viên bình thường không quyền lực mà thôi.
Rồi đến chuyện bố mẹ chồng Ngọc nhiều lần bóng gió, rồi cuối cùng nói thẳng, yêu cầu hai vợ chồng cô mua cho ông bà hết cái nọ đến cái kia. Từ cái ti vi 45 inch xem cho đã mắt đến cái laptop cho em gái chồng học hành thuận tiện rồi tới cái xe tay ga cũng cho em chồng để bằng bạn bằng bè.
Vợ chồng Ngọc mới cưới, tiền dành dụm để sinh con còn chưa có, làm sao có những khoản to đùng thế được. Tặng ông bà cái ti-vi thì còn cố được chứ mấy món kia cho em chồng thì cô cảm thấy không cần thiết lắm, để em ấy dùng tạm máy tính bàn, xe số như hiện tại cũng được.
Sau những lời tha thiết bày tỏ hoàn cảnh của vợ chồng Ngọc, mẹ chồng cô chỉ nói: “Thằng Hưng là con trai duy nhất trong nhà, cô là vợ nó thì phải có nghĩa vụ lo cho em gái và bố mẹ mát mặt với láng giềng! Cô không có thì về xin bố mẹ cô ấy!”.
Trước đây, Ngọc mặc dù chưa mang bầu nhưng việc nhà cô cũng chẳng mấy khi phải động tay. Cô mà xớ rớ vào bếp là mẹ chồng lại đuổi ra và gọi em chồng đến giúp với lí do: “Con đi làm cả ngày cũng mệt rồi!”. Ấy thế mà bây giờ bất kể Ngọc đang có bầu, nghén lên nghén xuống, mẹ chồng vẫn đẩy hết mọi việc to việc nhỏ trong nhà vào tay cô. Bà lí lẽ: “Cô là con dâu mà không làm thì ai làm!”.
Ngọc không đáp ứng được những yêu sách bà đưa ra, thì sau đó cô luôn phải nghe những câu cạnh khóe, móc mỉa. Kiểu như: “Tưởng nhà mặt phố, bố làm to cơ, hóa ra chỉ là bốc phét mà thôi!”, hay: “Đúng là nhà này mắt mù rồi mới rước phải loại con dâu trong tay chả có xu nào!”.
Của đáng tội, căn nhà bố mẹ đẻ Ngọc quả đúng là ở mặt đường trong khu phố đắt đỏ thật, nhưng đó là ngôi nhà của cụ kị tổ tiên để lại, chẳng liên quan gì đến việc nhà Ngọc giàu hay nghèo cả. Bố mẹ cô đều là công chức nhà nước, điều kiện kinh tế chỉ thuộc loại thường thường.
Đến giờ Ngọc mới đau đớn nhận ra, nhà chồng chào đón cô như vậy chẳng qua tưởng cô con nhà giàu, bố làm to đó thôi. Hóa ra cái mà ông bà hy vọng cưới về là tiền chứ đâu phải là một cô con dâu thảo hiền!
Afamily
Post a Comment
Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com