Chồng chị cái gì cũng mẹ, hơi tí là gọi mẹ. Biết trước chồng bám váy mẹ thế này, có cho vàng chị cũng chẳng dám lấy.
"Mẹ là nhất, không có nhì"
Đấy là phương châm sống của anh Lê Minh (Vĩnh Phúc). Chị Duyên - vợ anh cũng như tất cả những phụ nữ khác trong mắt chồng không bằng một góc của mẹ anh.
Chưa bao giờ chị Duyên nghĩ một người to cao, mạnh mẽ, tính cách sôi nổi như chồng chị lại bám váy mẹ đến thế. Chuyện gì của anh từ to đến nhỏ đều phải nhất nhất theo ý mẹ. Ừ thì công nhận bà đảm đang, tháo vát, chu đáo. Ngặt nỗi kèm với những đức tính tốt đó là sự ghê gớm và thích thao túng, chỉ đạo. Điều này làm cho Duyên mệt mỏi.
Chồng kiếm được khá nhiều tiền nhưng chị Duyên không được một xu nào từ anh. Minh dốc hết túi nhờ mẹ giữ hộ, có việc gì chị Duyên báo cáo với mẹ chồng để bà xuất tiền. Thỉnh thoảng có cái đám ma, đám cưới, vợ chồng chị cũng phải xin mẹ chồng. Bà nhất nhất chỉ cho đám ma 100 ngàn, đám cưới 200 ngàn không hơn không kém. Chị Duyên không ít lần phải bù thêm tiền của mình.
Nói với chồng, chị còn bị anh Minh chê là hoang phí, không biết tiết kiệm, phải học tập mẹ nữa. Và rồi anh lại ngồi tuôn một tràng ca ngợi mẹ anh đảm đang, khéo vun vén thế nào.
Bất cứ chuyện gì anh Minh cũng phải được sự thông qua và đồng ý duyệt của mẹ. Cứ mở miệng ra là anh lại “Em ơi mẹ bảo là…” làm cho chị Duyên phát cáu. Thậm chí đến ngày vợ đi đẻ, nước ối vỡ tùm lum mà anh Minh vẫn quyết phải chờ mẹ về dẫn con dâu đi vì “mẹ có nhiều kinh nghiệm”.
Mỹ Hằng (Thái Nguyên) cũng dính phải anh chồng bám váy mẹ, hâm mộ mẹ cuồng nhiệt. Với anh, mẹ là người đẹp nhất, nấu ăn ngon nhất, cư xử khéo nhất và cũng hiểu anh nhất.
Thực ra, anh thần tượng mẹ đến mức đó cũng không có gì ngạc nhiên, bởi mẹ chồng Hằng quả thật rất đẹp và khéo léo. Dù đã 50 tuổi nhưng bà vẫn trẻ, thích ăn ngon mặc đẹp và luôn tỏ ra là người lịch thiệp.
So với mẹ chồng thì Hằng quá khác. Cô không trang điểm, thời trang đơn giản. Nhưng cô luôn tự tin về cá tính và sự thông minh của mình.
Từ ngày cưới nhau, chồng Hằng cố gắng đưa vợ vào khuôn khổ như mẹ mình. Buổi sáng thấy chị chọn cái quần jeans ra mặc thì anh bảo: "Sao em không mặc váy, như mẹ ấy, vừa đẹp, vừa nữ tính".
Quá quắt hơn, anh còn bắt chị Hằng dùng đồ thừa của mẹ anh. Quần áo, giày dép, váy vóc, thi thoảng anh lại xin của mẹ cho vợ mặc, rồi tấm tắc khen “Đấy, mặc thế này có phải nhã nhặn không. Đúng là đồ của mẹ có khác!”.
Chị Hằng thi thoảng đi shopping mua đồ cho chồng nhưng chẳng mấy khi anh động đến. Anh chỉ tin tưởng con mắt thẩm mỹ của mẹ mình. Những đồ chị mua kể cả đắt tiền, mốt mới nhất anh cũng chê ỏng eo. Còn đồ của mẹ chồng mua thì có là hàng "si-đa" ven đường anh cũng ngợi ca như hàng hiệu tiền triệu.
Trong mắt anh, vợ không bằng một góc của mẹ (Ảnh minh họa).
Khi "người thừa" vùng lên!
Về ở với gia đình chồng đã nhiều thiệt thòi, lại còn bị ra rìa vì chồng chỉ tin mẹ, nghe mẹ, những người vợ có chồng là mommy's boy đều tích tụ trong người sự khó chịu và đến một ngày tất cả bùng nổ.
Chị Hằng cãi nhau một trận long trời lở đất với chồng vì không thể chịu được việc anh biến chị thành bản sao của mẹ chồng. Chồng chị vẫn lì lợm “Anh chỉ muốn tốt cho em.”, “Mẹ là tấm gương đáng để em noi theo”. Tức tưởi, chị Hằng dọn dẹp đồ đạc về nhà mẹ đẻ.
Chị không thể chịu được cuộc sống làm cái bóng của người khác. Chị cảm thấy mình chẳng khác gì người thứ ba đang xen vào “chuyện tình” của chồng và mẹ anh.
Vốn là một cô gái khéo léo, chị Duyên rất cao tay trong việc "cai sữa" mẹ cho chồng bám váy mẹ.
Dù có khó chịu đến mấy cũng chẳng dại gì mà chị Duyên thẳng thừng tuyên chiến với mẹ chồng. Chị lại càng không dại bắt chồng lựa chọn giữa một bên là vợ, một bên là mẹ. Bởi chị thừa biết đau thương ắt hẳn sẽ thuộc về mình. Chị dùng cách “lấy độc trị độc” để chồng chừa thói bám váy mẹ.
Mỗi khi bắt đầu một câu chuyện, chị luôn có cách vào đề quen thuộc: “Mẹ bảo rằng anh nên,…”, “Mẹ bảo chúng mình…”, “Hôm qua em vừa hỏi mẹ…”. Câu nói ấy như một thần chú khiến anh hoàn toàn nghe theo mọi yêu cầu của vợ mà chẳng tốn công cãi vã hay thuyết phục.
Càng ở những chỗ đông người, như những buổi tiệc tùng của bạn bè, đồng nghiệp, chị Duyên càng ra sức “phát huy”, nhắc đi nhắc lại câu nói ấy. Dần dần, bạn bè đồng nghiệp xì xào về anh Minh, bảo anh “Không ngờ lớn thế mà còn bám váy mẹ” và cái tên Minh bám váy mẹ gắn liền với anh từ đó.
Biết chuyện, anh Minh rất xấu hổ và khó chịu. Đường đường là đấng nam nhi, lại còn là người thành đạt, sắp sửa lên sếp ở công ty mà bị gọi như thế thì còn gì là uy phong. Lại thêm việc bị mẹ bảo nhiều quá làm anh khó chịu, cảm thấy mình bị mẹ thao túng.
Với tâm lý như vậy, dần dần anh Minh đã tự chủ hơn trong mọi việc và tỏ vẻ khó chịu mỗi khi mẹ anh xen vào quá đà.
Bảy năm sau khi về nhà chồng, cuối cùng chị Duyên đã có thể quản lý ngân sách riêng của 2 vợ chồng. Mẹ chồng tỏ thái độ bực tức, dỗi nhưng chồng chị gạt phắt “Cô ấy học mẹ bao năm nay giờ cũng biết rồi. Phải tập cho quen, không tương lai mẹ già cả thì ai chăm sóc gia đình”.
Chị Duyên thở phào nhẹ nhõm vì chồng mình cuối cũng cũng đã lớn!
Post a Comment
Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com