Đây là lời khẳng định của PGS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm, chủ tịch hội Hậu môn trực tràng Việt Nam, về nguyên nhân gây bệnh trĩ và sự gia tăng của số lượng bệnh nhân đến khám và chữa biến chứng do trĩ sau Tết.

  Muôn kiểu phát bệnh
Muôn kiểu phát bệnh

Bà Trần Thị Nhung (70 tuổi) bị trĩ đã lâu và mỗi lần bị mệt, máu chảy đầm đìa, con cái đều bảo đấy là tại vì bà đi chơi nhiều quá. Còn bà thì cho rằng đó là do phải trông mấy đứa cháu nghịch ngợm, đầu óc căng thẳng nên mới bị thế. Vậy mà đợt Tết này, bà không đi đâu xa cũng chẳng phải trông cháu nhưng bệnh vẫn tái phát liên tục.

Còn chị Thu Hương (32 tuổi) cũng có biểu hiện trĩ từ khoảng 1 năm nay. Đi khám bác sĩ, chị mới biết ngoài 30 là độ tuổi thường bắt đầu bị trĩ và nguyên nhân là do chị quá ít vận động. Biết vậy chị tham gia 1 lớp aerobic, thấy tình hình cải thiện ít nhiều. Nhưng tết còn có mấy ngày nữa thì bệnh lại tái phát.

Riêng bác PhạmTrung (52 tuổi) thì không quên được đợt nhập viện sau mùng 5 tết năm ngoái vì búi trĩ không co lên, sưng nề khiến bác vô cùng đau đớn dù cả tết bác chỉ ở nhà tiếp khách khứa.
 
Trên thực tế, những trường hợp như phải đi khám và điều trị trĩ sau Tết không hiếm.

Ăn uống - Thủ phạm chính gây trĩ

Ttheo PGS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm, tỉ lệ đi khám và điều trị biến chứng của trĩ sau Tết thường tăng cao hơn các dịp khác. Đó là bởi vì có quá nhiều yếu tố làm bệnh tái phát hay nặng thêm trong dịp này, trong đó quan trọng nhất là ăn uống. Không chỉ là ăn nhiều mà cả việc ăn uống thất thường, bữa ăn nhiều thịt, ít rau; những món ăn để quá lâu, chế biến không đảm bảo vệ sinh… ở các hàng quán tại các lễ hội, bến xe… đều có thể làm bệnh trĩ nặng lên hoặc tái phát. “Táo bón, kiết lị hay tiêu chảy đều có thể sinh trĩ và làm bệnh nặng thêm”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm cho biết.

Ví như trường hợp của bà Nhung, nguyên nhân khiến bà bị trĩ là vì tiếc của nên bà thường ăn cố để “dọn mâm” sau khi cả nhà ăn xong. Chưa kể, bà cũng tặc lưỡi ăn luôn cả những thức ăn hâm đi hâm lại cả chục lần không ai đụng tới. Vậy là sau 1 vài lần bị tiêu chảy, bệnh trĩ của bà liền tái phát.

Còn chị Hương thì mắc bệnh bởi ăn uống thất thường, thức đêm nhiều vì lo hoàn thành công việc; chưa kể những ngày trưa thì ăn buffet, tối lại ăn hải sản; lại không có thời gian tập thể dục nên bệnh tái phát.

Việc uống bia rượu, nước ngọt; ăn nhiều đồ cay nóng… cũng là nguyên nhân khiến bệnh trĩ của bác Trung tái phát.

Ngoài ra, thời tiết thay đổi thất thường, cảm xúc thay đổi đột ngột… cũng có thể góp phần gây bệnh, phát bệnh và biến chứng.

Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm, cách phòng bệnh trĩ tái phát trong dịp Tết hiệu quả nhất là nên chú trọng dinh dưỡng trong dịp Tết như ăn uống điều độ, tăng cường rau củ quả, uống nhiều nước, tăng cường vận động, ổn định cảm xúc; không nên nhịn đại tiện.

Còn khi đã bị trĩ thì sau khi đi vệ sinh cần rửa bằng nước thay vì dùng giấy (tránh cọ xát trực tiếp làm tăng phù nề, sưng đau); nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng và sử dụng thuốc hướng dẫn của bác sĩ.

Mặc dù trĩ có biểu hiện là chảy máu và tụ máu nhưng cần đi khám chuyên khoa để xác định chính xác bệnh bởi chảy máu có thể là triệu chứng của 1 bệnh khác (ung thư trực tràng…).

Dân Trí

Post a Comment

Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com