Ai cũng biết mang thai không hề dễ dàng gì và gánh chịu những khó khăn 24/24 dường như là một điều tất yếu trong 9 tháng “mang nặng đẻ đau”. Thế nhưng đâu là các triệu chứng phụ bình thường của việc mang thai và đâu là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm xảy ra?
Trường hợp nào bạn có thể tự mình giải quyết được, trường hợp nào cần phải tìm tới sự giúp đỡ của bác sĩ luôn là câu hỏi hóc búa đối với các mẹ bầu, nhất là mẹ bầu lần đầu mang thai. “Lần đầu mang thai luôn đầy những bỡ ngỡ mà mình không biết đối phó ra sao. Sáng, trưa, chiều, tối cứ mỗi khi thấy nhức mỏi là mình lại tưởng bị trở dạ, lại luống cuống cầu cứu bác sĩ dù chỉ mới đến tháng thứ 7. Đến khi biết tất cả chỉ là báo động giả, mình mới thấy tội cho bác sĩ đêm nào cũng bị phá đám…” câu chuyện của chị Hà Linh (Quảng Ngãi) tuy chỉ nghe rồi cười nhưng có những trường hợp các bà bầu không được chủ quan mà coi thường nhé!
Chảy máu, sốt, đau nhức, ớn lạnh
Mặc dù cổ tử cung của bạn trong giai đoạn này rất nhạy cảm và dễ rất nhỏ máu nhưng chúng chỉ dừng lại ở một ít mà thôi. Khi âm đạo chảy máu nhiều kèm theo sốt, đau nhức hay ớn lạnh, thai phụ không được chần chừ mà hãy gọi ngay cho bác sĩ của mình. Hãy chắc chắn có phương tiện liên lạc mọi lúc mọi nơi và diễn giải tình trạng rõ ràng khi tìm kiếm sự trợ giúp.
Nhức đầu, chóng mặt và ngất
Bạn đang đau đầu như búa bổ? Nếu những cơn đau xảy ra thường xuyên, quá mức chịu đựng và đặc biệt còn kèm theo các triệu chứng khác như chóng mặt, hoa mắt, choáng váng và ngất, thì bạn phải bảo cho bác sĩ tình trạng của mình. Tìm một nơi thoáng mát để ngồi nghỉ khi nói chuyện với bác sĩ và uống nhiều nước (cũng có thể sự thiếu nước dẫn đến tình trạng như vậy đấy) và nằm nghiêng sang trái.
Đi tiểu thường xuyên và khó chịu
“Chị gái tôi sinh bé thứ hai thường than vãn dạo này đi tiểu rất khó khăn. Tôi thì cứ nghĩ do mang thai nên người trở nên nặng nề thôi. Nhưng khoảng 3 tuần sau đi khám mới biết chị tôi bị nhiễm trùng bàng quang nghiêm trọng…”, chị Thùy Dung (Hà Tiên, Kiên Giang) chia sẻ. Nhiễm trùng bàng quang rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến sinh non và bé bị nhẹ cân. Vì vậy, để tránh nhiễm trùng, mẹ cần uống nhiều nước, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần lót cotton rộng, thoáng và tránh mặc quần bó sát. Mặc dù đi tiểu thường xuyên là thói quen ở bà bầu, nhưng khi thấy đau rát mỗi lần đi tiểu thì bạn nên tìm gặp bác sĩ ngay.
Đau vùng chậu
Nhiều bà mẹ tương lai vẫn hay trải qua những cơn đau do áp lực xương chậu trong suốt thai kỳ. Tuy vậy, cơn đau triền miên và khắc nghiệt nên được quan tâm nhiều hơn. Nếu đã cố tập co giãn cơ thể, uống nước và nghỉ ngơi mà cơn đau vẫn chưa dịu hẳn thì bạn còn đợi gì nữa mà không a lô cho bác sĩ?
Nôn mửa kèm sốt và đau nhức
“Mình đến tháng thứ 6 rồi và đang trải qua giai đoạn khó khăn với những cơn ốm nghén. Nhưng khác với những cơn ốm nghén thông thường mà mọi đứa bạn của mình trải qua, bệnh của mình dường như còn trầm trọng hơn với những đợt sốt nóng và khó chịu trong người. Quả thật mình không biết làm cách nào để thoát khỏi tình trạng này nữa…”, sự bối rối của chị Phương Uyên (An Trạch, Gia Lai) khi chia sẻ câu chuyện của mình không xa lạ gì đối với các bà bầu hiện nay. Với những đợt nôn mửa nhiều hơn một lần mỗi ngày, kèm theo sốt hoặc đau đầu thì bạn cần gọi bác sĩ khẩn cấp. Vì dù nôn mửa không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn nhưng chúng sẽ góp phần giảm khả năng hấp thụ thức ăn của mẹ và thai nhi nên cần được chữa trị tận gốc.
Ớn lạnh hoặc sốt cao
Cảm sốt bình thường vốn đã gây hại cho cơ thể - huống chi trong thai kỳ, khi chúng còn ảnh hưởng đến cục cưng tương lai. Sự trưởng thành và phát triển của bé phụ thuộc vào nhiệt độ cơ thể người mẹ. Với thai phụ bị sốt cao từ 37 – 39 độ C trong thời gian đầu có thể tăng nguy cơ sẩy thai. Ở thời kỳ cuối, tuy không ảnh hưởng lớn đến trẻ nhưng sốt cao cũng có thể là dấu hiệu của sự nhiễm trùng hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Tiết dịch âm đạo quá nhiều
Bạn có đang ở thời kỳ cuối của thai kỳ? Nếu có, thì tiết dịch âm đạo nhiều có nghĩa bạn đang bị vỡ ối và cần được nhập viện ngay lập tức. Nhưng nếu bạn còn chưa tới tuần thứ 37 của thai kỳ thì bạn cần gọi ngay cho bác sĩ để báo tình trạng vì đây có thể là dấu hiệu báo trước của việc sinh non sau đó.
Đếm cử động của thai nhi
- Trong giai đoạn cuối thai kỳ, mẹ bầu nên tập đếm những cú đạp của bé vài lần trong ngày và cố nhận biết được 10 cử động của thai nhi trong vòng 10 phút. Nếu không thấy những cử động nào, hãy uống một ly nước trái cây và nằm xoay người về bên trái khoảng nửa giờ. Nếu trong vòng 2 giờ mẹ vẫn chưa cảm nhận được 10 cử động của bé, thì hãy gọi cho bác sĩ.
- Ngoài ra, nên gọi bác sĩ khi bạn:
+ Đau đầu liên tục
+ Chảy máu âm đạo kéo dài hơn 1 ngày.
- Hãy thông báo tình trạng của mình ở cuộc hẹn tới với bác sĩ khi:
+ Chảy máu âm đạo ít trong 1 ngày.
+ Thỉnh thoảng nhức đầu
+ Thỉnh thoảng có cảm giác co giật ở vùng bụng.
|
Theo Mẹ yêu bé
Post a Comment
Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com