60-70% số người từng sảy thai có thể mang bầu trở lại thành công. Tuy nhiên nếu có ngay thì dễ dẫn đến tình trạng sảy thai liên tiếp thành "thói quen".

Theo bác sĩ Phó Đức Nhuận, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), có trường hợp sau sảy thai 2-3 tháng đã có bầu trở lại vẫn sinh đẻ an toàn. Nhưng có nhiều người do ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe chưa đủ tốt thì rất dễ sảy thai.
Dù vẫn còn nhiều tranh cãi về thời điểm nên có thai lại, các chuyên gia đều thống nhất, sau khi đẻ non, sảy thai màng trong của tử cung bị tổn thương, cân bằng cơ thể đột nhiên bị phá vỡ, tử cung và các cơ quan khác chưa khôi phục trở lại như bình thường. Không những thế người phụ nữ cũng trải qua cú sốc tinh thần khi mất con, thậm chí có người bị ám ảnh, lo lắng...
Sau khi sảy thai chị em nên dành thời gian nghỉ ngơi để cơ quan sinh sản hồi phục rồi mới có lại. Ảnh: N.P.
Vì thế, tốt nhất nên chờ khoảng 6 tháng đến 1 năm để đảm bảo tử cung và dạ con khôi phục lại khỏe mạnh, người mẹ cũng lấy lại được cân bằng tâm lý. Để tránh sảy thai lần nữa, hai vợ chồng nên giữ gìn sức khỏe chung như tránh căng thẳng, stress, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bỏ rượu và thuốc lá...
Khi có thai, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, thì yếu tố tinh thần cũng rất quan trong. Cần tạo môi trường sống thoải mái dễ chịu, môi trường sống sạch sẽ, thoáng đãng. Khi đi nên cẩn trọng, tránh vấp ngã, không nên đi giày cao gót hay đi các phương tiện gây xóc...
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe Sinh sản và Gia đình cho biết, với sự phát triển của y học ngày nay, hoàn toàn có thể can thiệp để giữ thai. Vì thế, chị em không nên quá lo lắng, tránh ảnh hưởng đến quá trình mang thai. Điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên, cũng có tới 50% các trường hợp sảy thai không rõ nguyên nhân.
Theo tiến sĩ Đức có nhiều nguyên nhân khác nhau gây sảy thai liên tiếp. Đó có thể là do tử cung bị dị dạng như: tử cung đôi, tử cung một sừng (chỉ có một buồng trứng và vòi trứng)... Hoặc cũng có thể do bào thai phát triển không bình thường, bất thường của tinh trùng hoặc trứng khi thụ tinh khiến cho thai không thể phát triển được, do di truyền, lao động nặng nhọc, nhiễm độc hóa chất….
Một nguyên nhân hay gặp nữa là do tình trạng nhiễm khuẩn tử cung khiến trứng không làm tổ được hoặc nhiễm khuẩn toàn thân thể nặng ở người mẹ khi mang thai dẫn đến lây nhiễm cho thai. Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu do nội tiết thì có thể uống thuốc, nếu tử cung đôi hay có vách ngăn thì có thể phẫu thuật tạo hình dáng bình thường cho tử cung, tiến sĩ Đức cho biết.
Theo các chuyên gia, chị em nên đi khám sức khỏe để được khám và theo dõi ngay từ khi chưa có thai. Nếu có những bất thường khiến thai dễ sảy hoặc sinh non, thì chị cần được bác sĩ theo dõi, hỗ trợ sớm và chỉ định những thuốc cần thiết.

Theo VNE

Post a Comment

Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com