Máy tính là một thiết bị điện tử cao cấp, và vì thế nó rất nhạy cảm với các tác nhân gây hại về mặt vật lý như tĩnh điện.
Tại các phòng  triển lãm vật lý, các nhà khoa học thường dùng các quả cầu tích điện, để truyền một lượng điện tích sang cơ thể người. Và cơ thể người sẽ lưu giữ lượng điện tích đó trong một thời gian dài, trước khi nó được truyền sang các vật thể khác.
Nói như thế để bạn hiểu rằng, khi cơ thể chúng ta tiếp xúc trực tiếp vào các linh kiện máy tính, vô tình chúng ta đã truyền một điện tích rất lớn sang đó, và chúng có thể làm hư hỏng linh kiện ấy.
Có hai nguyên nhân khiến tĩnh điện làm hư linh kiện điện tử là sự phóng tĩnh điện (Electrostatic Discharge) và sự bám hút tĩnh điện (Electrostatic  Atraction).  Khi bạn chạm tay hay bất kỳ phần cơ thể nào vào bản mạch nào đó như bo mạch chủ, RAM hay CPU… sự phóng tĩnh điện sẽ xảy ra và tạo ra tia lửa điện. Tia lửa điện này cực nhỏ và bàn tay bạn không thể cảm nhận được. Tuy nhiên, nó có thể làm hư hỏng rất nhiều mạch điện nhỏ và mỏng manh trên máy tính.
Ngoài việc phóng tĩnh điện, bàn tay bạn còn tiếp tục truyền một lượng lớn tĩnh điện sang bản mạch. Lượng tĩnh điện ấy sẽ hút các hạt bụi trong không khí và đính chúng vào bản mạch. Nếu đó là các hạt bụi ẩm, hiện tượng đoản mạch sẽ xảy ra, và bản mạch cũng sẽ hư hỏng khi có luồng điện chạy qua.
Vậy để ngăn các mối nguy hại do tĩnh điện làm hư hỏng máy tính và các linh kiện, bạn cần tuân thủ các vấn đề sau:
-  Thông thường để chống sét lan truyền qua đường dây điện, người dùng sẽ sử dụng các bộ cắm điện chống sét. Như vậy khi tiến hành sửa chữa máy tính, thay vì rút dây cắm điện ra khỏi ổ cắm, bạn chỉ nên tắt máy tính, và sau đó tắt công tắc trên bộ cắm điện chống sét, nhưng đừng rút phích cắm ra khỏi đó. Khi đó, về mặt vật lý, máy tính của bạn đã được cắt nguồn cấp điện, nhưng sẽ vẫn luôn luôn được nối đất, và tĩnh điện sẽ có đường truyền xuống đất.
-  Tĩnh điện sẽ được truyền đi khi hai vật thể chạm vào nhau. Vì thế, một trong những cách để làm giảm lượng điện tích đang có trong cơ thể và tránh cho nó truyền sang các linh kiện máy tính cũng khá đơn giản. Đó là trước khi chạm tay vào bất kỳ thành phần nào bên trong thùng máy, bạn cần tìm cách chạm chân trần xuống đất để giải tĩnh điện đang có trên cơ thể. Tuy nhiên, nguyên tắc chạm chân trần xuống đầt này lại vi phạm nguyên tắt chống điện giật khi thao tác trên máy tính. Do đó, bạn chỉ thực hiện việc chạm đất trước khi bắt đầu thao tác, sau đó thì mang giày dép vào để tiếp tục.
-  Cách tốt nhất là bạn đeo một chiếc vòng chống tĩnh điện. Nhưng lưu ý rằng để vòng chống tĩnh điện có tác dụng, bạn sẽ cần kẹp đầu cáp nối của nó với vỏ thùng  máy. Cách này giúp các tĩnh điện được tạo ra trên cơ thể bạn sẽ ngay lập tức truyền xuống đất. Một số loại vòng chống tĩnh điện còn không cần bạn nối dây vào vỏ thùng  máy. Tuy nhiên, bạn vẫn phải thực hiện thao tác chạm miếng kim loại trên vòng vào thùng  máy một lần trước khi chạm tay vào linh kiện bên trong thùng  máy.
-  Khi tháo lắp các bo mạch, hãy dùng ngón tay giữ các góc của nó, thay vì chạm hẳn ngón tay vào bản mạch in. Nguyên nhân là phần góc của bo mạch làm bằng nhựa và thường không có các mạch in nào được thiết kế ở đó. Cách chạm tay vào các cạnh của các bo mạch cũng đảm bảo việc bạn sẽ không làm tổn hại các mạch in, cũng như gây gãy vỡ bản mạch trong lúc thực hiện nâng cấp hay sửa chữa.
-  Đừng bao giờ đứng chân trần trên thảm và tháo lắp, hay chạm tay vào các thành phần bên trong thùng máy. Vì thảm là thành phần tạo ra tĩnh điện nhiều nhất khi cọ xát. Tương tự, bạn cũng đừng mặc quần áo len (dạ), hay ni lông khi tiến hành sửa chữa máy tính. Và dù là quần áo gì, thì hãy tránh đừng để chúng chạm vào ổ đĩa, bo mạch hay thanh thẻ nhớ… Quần áo cũng tạo ra tĩnh điện, đặc biệt là khi chúng khô và lạnh.
-  Những linh kiện khi tháo tạm hay tháo hẳn ra khỏi máy tính, cần được bảo quản trong các túi chống tĩnh điện, cho đến khi nào bạn thật sự cần dùng đến chúng ngay. Đặt chúng bên ngoài môi trường, nhất là trên nền thảm, sẽ tạo ra các nguy cơ hư hỏng do lực hút tĩnh điện với bụi bên ngoài môi trường. Rất nhiều phụ kiện khi bán ra đã được chứa trong các túi chống tĩnh điện, vì thế hãy giữ chúng lại thay vì vất đi. Vì bạn sẽ phải tốn tiền khi mua lại các túi này.
-  Đừng sửa chữa máy tính trong môi trường khô và lạnh. Vì trong môi trường đó, tĩnh điện càng dễ được tạo ra. Điều kiện an toàn hơn là khi độ ẩm nằm trong khoảng 50%-60%. Những ngày trời lạnh thì độ ẩm thường rất thấp. Ngược lại, trong những ngày ấm áp thì độ ẩm lại cao, nhất là khi bạn mở máy lạnh với công suất lớn.
-  Ngoài ra còn một bước quan trọng nhưng lại được rất ít người chú ý. Đó là bạn nên chuẩn bị chiếc bàn làm việc thật an toàn trước khi tháo lắp máy. Hãy chắc chắn rằng khu vực mà bạn đang chuẩn bị dùng để mở thùng chiếc máy tính không đầy rẫy những vật dụng có thể tạo ra tĩnh điện. Tốt nhất là bạn dùng một chiếc bàn hoàn toàn trống trải, và mang những thứ như văn phòng phẩm, thùng rác, điện thoại… sang nơi khác. Một vật tạo ra rất nhiều tĩnh điện nữa là chiếc ghế văn phòng có bánh xe lăn dưới chân. Hãy đẩy nó ra thật xa, và đứng lên khi bạn tiến hành nâng cấp hay sửa chữa máy tính.
echip

Post a Comment

Chú ý:
- Nhận xét nên viết tiếng việt có dấu.
- Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tại www.hannavn.com